Tăng lương tối thiểu 2018: Liệu có đáp ứng được mức sống tối thiểu?
(Dân trí) - Cuộc họp sáng nay (7/8) tại Hà Nội của Hội đồng tiền lương Quốc gia liệu có chốt được mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018? Đặc biệt, mức đề xuất tăng này có hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình?
Qua 2 phiên đàm phán đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2018 trước đây, quan điểm xác định các tiêu chí của mức sống tối thiểu vẫn được Tổng LĐLĐ VN và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN nhìn nhận khác nhau.
Theo quy định tại Điều 91 Luật Lao động, lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tới thời điểm này, nhiều chuyên gia lao động tiền lương cho rằng mức lương tối thiểu đang đáp ứng được khoảng 90 % mức sống tối thiểu.
Mức đề xuất tăng mức lương tối thiểu năm 2018 có bù đắp hết phần đang chênh giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu tromg thực tế?
Đây là vấn đề được các chuyên gia nhìn nhận khác nhau.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, việc xác định lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu là một mục tiêu. Còn trong thực tế, lương tối thiểu là khái niệm chỉ được xác định trong 1 khoảng thời gian nhất định.
“Chúng ta chỉ có thể tính mức sống tối thiểu trong 5 năm trên điều kiện kinh tế xã hội thời điểm đó. Hết thời gian này, chúng ta lại tiếp tục tính toán lại nhu cầu trên mặt bằng xã hội của thời gian mới” - ông Phạm Minh Huân nói.
Đồng thời, ông Phạm Minh Huân cho rằng: Ngay cả khi mức lương tối thiểu có đáp ứng được mức sống tối thiểu thì cũng phải căn cứ vào nhiều điều khác để tính tới việc đời sống của người lao động có được nâng lên hay không.
“Bởi lương tối thiểu chỉ là một căn cứ, còn toàn bộ chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động còn do các “công cụ” khác như chế độ phúc lợi, phụ cấp thu hút, tiền thưởng...do doanh nghiệp đặt ra” - vị Nguyên chủ tịch Hội đồng tiền lương nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng: Việc tính lương tối thiểu có thể dựa vào nguyên tắc cộng - trừ 10 % so với mức sống tối thiểu.
“Trong điều kiện tốt, lương tối thiểu còn có thể tăng hơn 10 % mức sống tối thiểu. Bởi lương còn liên quan tới tăng năng suất lao động, đòn bẩy…” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, quan điểm lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu là căn cứ dựa trên quy định trong Luật Lao động: “Tuy nhiên cũng phải hiểu rõ về định nghĩa của Luật cũng như cách tính thực tế, giữa khái niệm đặc trưng và khái niệm thống kê. Đơn cử như việc xây 1 cây cầu cũng phải chấp nhận có các sai số, dù là nhỏ nhất…”.
Đưa ra giải pháp về việc tính lương tối thiểu bám sát mức sống tối thiểu hơn, bà Nguyễn Thị Lan Hương gợi ý về thực tế các nước có nền kinh tế phát triển đang xây dựng nhiều loại lương hỗ trợ các nhóm đối tượng khác nhau.
"Chúng ta vẫn tính tổng thể mà không tách các nhóm thu nhập thấp. Những ngành sử dụng đông lao động và dễ bị ảnh hưởng của lương tối thiểu như da giày, dệt may, thuỷ sản rất cần phải đảm bảo lương tối thiểu đáp ứng mức sát nhất với mức sống tối thiểu” - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Trong khi đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đến năm 2017, lương tối thiểu đã đạt 93% mức sống tối thiểu. Do đó, mức tăng lương tối thiểu năm 2018 thấp nhất sẽ phải là 7% (nếu loại trừ yếu tố trượt giá).
Hai bên nên thương lượng chọn mức tạm chấp nhận do tăng năng suất lao động và trượt giá dự kiến năm 2018 khoảng 3% nữa.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, lương tối thiểu không hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động. Bởi lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời cần lưu ý một nguyên tắc là tốc độ tăng tiền lương bình quân luôn thấp hơn tốc độ tăng NSLĐ.
Hoàng Mạnh