Tài xế lo mất việc, vỡ nợ, bán xe khi Uber bị Grab “thâu tóm“
Nhiều tài xế coi chạy Grab, Uber là nghề mưu sinh có nguy cơ lâm vào cảnh mất việc làm sau thương vụ Grab "thâu tóm" xong Uber.
Sau tuyên bố “bán mình” cho Grab, nhiều lái xe Uber tỏ ra thất vọng khi họ sắp phải chuyển sang Grab hoặc sẽ không còn việc làm. Hàng nghìn tài xế có nguy cơ mất việc nếu trước đó đã vi phạm những điều khoản từ Grab. Rất nhiều người trong số này đã vay nợ hàng trăm triệu mua ô tô chạy taxi công nghệ nay lo phá sản vì gánh nặng quá lớn.
...“Em mua xe 520 triệu, vay 420 triệu để chạy Uber.
Cày cả năm chỉ đủ trả tiền lãi và ăn. Giờ khách hỏi mua 370 triệu, nếu bán thì bù thêm để trả ngân hàng.
Làm quần quật cả năm không có ngày nghỉ, Tết cày cả mồng Một và xuyên Tết, quên cả họ hàng.
Dậy từ gà gáy, về lúc nửa đêm, con không thấy mặt bố.
Ăn uống tiết kiệm, toàn xôi, bánh mỳ, với mỳ tôm... để lấy tiền trả nợ.
Chịu khó, cần cù, hy sinh như vậy, giờ tay trắng, thêm cục nợ các bác ạ.
Bán xe trả nợ thì không biết làm gì bây giờ?
Em mông lung quá...”.
Đó là lời tâm sự của một lái xe Uber đăng trên trang cá nhân của mình sau khi nghe tin Uber rút lui khỏi Việt Nam.
Bán xe trả nợ...
Anh Nguyễn Đức Hiệp, một lái xe cho Uber mấy ngày nay như đang như ngồi trên đống lửa khi hay tin Uber sẽ dừng hoạt động, bán toàn bộ thương hiệu cho Grab, một đối thủ lâu nay.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội: Khi Grab gần như đã một mình một ngựa, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm chiết khấu của đối tác và tài xế. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do chịu giá cước nhảy múa.
Để tham gia taxi công nghệ, anh đã mua trả góp chiếc Huyndai i10 với giá 365 triệu, số tiền trả góp là 8,5 triệu/tháng.
Anh cho biết, trước đây, lúc đầu chạy cho Grab, nhưng do vi phạm điều khoản nào đó, Grab đã khóa tài khoản của anh. Sau đó anh phải chuyển sang chạy cho Uber.
“Sau một thời gian chạy cho Uber, đến giờ cũng kiếm được hơn triệu/ngày. Giờ nghe tin Grab mua lại Uber, tôi thấy hoang mang quá. Vì theo quy định của Grab, những thành viên đã bị công ty khóa tài khoản, sẽ vĩnh viễn không được cấp lại”, anh Hiệp bày tỏ.
Theo anh Hiệp, nểu Uber sáp nhập vào Grab, hoặc anh sẽ phải tham gia vào một hãng taxi truyền thống nào đó, hoặc phải bán xe để chi trả tiền lãi góp hàng tháng.
“Giờ mà bán xe thì lại phải chịu lỗ từ 100 triệu trở lên, cộng với mức thuế chuyển đổi từ xe công ty sang xe cá nhân. Nợ cũ chưa trả xong lại ôm thêm cục nợ mới”, anh Hiệp lo lắng.
Sau tuyên bố “bán mình” cho Grab, nhiều lái xe Uber tỏ ra thất vọng khi họ sắp phải chuyển sang Grab hoặc sẽ không còn việc làm.
Giống như anh Hiệp, anh Bùi Quyết (Phú Xuyên, Hà Nội) nhận thông báo "chia tay" từ Uber chiều 26/3, những tài xế vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Uber như đang rất lo lắng về mức chiết khấu ở công ty Grab. Trong khi mức chiết khấu ở Uber đang là 20% thì ở Grab cao hơn rất nhiều, lên đến 28,36%.
Anh Quyết chia sẻ, nếu sau sáp nhập, Grab vẫn áp mức phí này, nhiều tài xế dù không muốn vẫn phải “bỏ cuộc chơi” do lợi nhuận thấp, nhất là khi chạy quãng đường di chuyển ngắn.
"Hàng ngày trung bình tôi chạy Uber 8-9 tiếng/ngày, thu nhập khoảng hơn 1 triệu, nhưng với mức chiết khấu gần 30% của Grab, con số này chắc chắn sẽ giảm nhiều", anh Quyết nói.
Theo anh Quyết, xe là mua trả góp, mỗi tháng phải trả 5 triệu. Nếu mức chiết khấu quá cao, trừ chi phí nhiên liệu, hao mòn xe, sẽ chẳng đủ trả lãi ngân hàng.
Cùng tâm trạng với các tài xế ô tô, những thành viên đang chạy Grab Bike hay Uber Bike cũng đang rơi vào trạng thái “dở khóc dở cười”. Vì nếu 2 hãng Uber và Grab hợp lại là một, chắc chắn số người tham gia vào dịch vụ vận chuyển này rất đông, đồng nghĩa với sự cạnh tranh tăng lên gấp bội.
“Lượng khách đã ít giờ lại phải chia năm xẻ bảy, khó càng thêm khó”, một Grab Bike nói.
Vỡ mộng làm giàu từ taxi công nghệ
Tham gia lái xe cho Uber đã hơn 2 năm, anh Mạnh Hà (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy buồn khi sắp tới không còn là đối tác của Uber.
“Từ khi nghe tin, anh em lái xe đều như tôi thấy buồn. Làm việc cho Uber đã lâu, quen với khách, giờ có sự thay đổi lớn. Mấy ngày trước đó, Uber đã trấn an lái xe bằng cách khẳng định những thông tin trên là không chính xác”, anh Hà thở dài lo lắng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT sẵn sàng tiếp xúc và giao Vụ vận tải giải đáp các thắc mắc của lái xe khi Uber bán thị phần cho Grab.
Đa số lái xe taxi công nghệ cho Uber, Grab, mọi người đều phải vay tiền, thế chấp ngân hàng để mua xe chạy. Số tiền phải trả cho ngân hàng mỗi tháng lên tới cả chục triệu đồng.
Lái xe Uber đang chịu chiết khấu cho hãng là 20% trong khi tài xế Grab phải chịu chiết khấu 25% hoặc hơn, chưa tính thuế. Khi chuyển sang Grab, họ sẽ phải nhận mức thu nhập giảm. Không chỉ vậy, khi chuyển sang Grab, các lái xe sẽ phải cạnh tranh nhau nhiều hơn.
“Từ đây đến cuối năm sẽ rất nhiều người bán xe. Giá xe dịch vụ sẽ càng ngày càng không ổn định. Thu nhập của lái xe cũng sẽ bấp bênh”, một lái xe phàn nàn.
Nhiều lái xe cho biết, các lái xe sẽ không còn sự lựa chọn nào khác. Áp lực của họ để giữ được tài khoản ngày càng nhiều hơn, nếu không sẽ tự bị đào thải khỏi cuộc chơi. Grab và Uber chỉ dành cho tài xế có sẵn xe rồi chạy kiểu làm bán thời gian, chứ đầu tư mua xe mới không khéo sẽ vỡ nợ.
Không chỉ các tài xế taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống cũng đứng ngồi không yên. Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng chia sẻ, khi Grab thâu tóm xong Uber, nguy cơ độc quyền càng hiện hữu hơn.
“Khi Grab gần như đã một mình một ngựa, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm chiết khấu của đối tác và tài xế. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do chịu giá cước nhảy múa. Cùng đó, việc Grab mua Uber sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hàng chục nghìn lái xe Uber sẽ đi về đâu khi họ tham gia Grab phải chịu mức chiết khấu cao hơn hiện nay", ông Hùng nói.
Bộ GTVT sẵn sàng gặp, giải đáp thắc mắc của tài xế
Tại buổi họp báo quý 1 của Bộ GTVT vào chiều 29/3, theo Thứ trưởng Đông, trả lời các câu hỏi liên quan đến Uber và Grab, Thứ trưởng Đông khẳng định, Uber và Grab là giải pháp công nghệ cung cấp cho đơn vị vận tải để kết nối và Bộ GTVT đã cho thực hiện thí điểm.
“Việc sát nhập giữa 2 hãng này với nhau là hoạt động của doanh nghiệp và soi chiếu theo Luật Doanh nghiệp trong quy định của Việt Nam và thế giới đều có thể thực hiện,” Thứ trưởng Đông nhìn nhận.
Liên quan đến việc lái xe “kêu cứu” vì Uber sau khi sáp nhập dẫn đến quyền lợi của tài xế khó đảm bảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thẳng thắn, Bộ GTVT sẵn sàng tiếp xúc và giao Vụ vận tải giải đáp các thắc mắc của lái xe.
“Thực tế, cũng nên nhìn nhận rằng, khi chủ xe thực hiện đầu tư phương tiện để kinh doanh chưa xem xét chặt chẽ vấn đề pháp lý, hợp đồng dân sự để đảm bảo pháp lý nên không tránh khỏi rủi ro. Nhà nước không thể làm thay việc chủ xe có tiền để đầu tư xe chạy Grab hay Uber, mà quản lý việc chạy xe thế nào, quản lý chặt vấn đề thuế và giá,” Thứ trưởng Đông khẳng định.
Theo ông Đông, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là quản lý đơn vị vận tải sử dụng ứng dụng. Dự thảo Nghị định sửa đổi 86 tới đây, Bộ đã đưa điều khoản quản lý loại hình vận tải sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử vào quản lý. Cùng đó, Bộ không ấn định số lượng xe nhưng quản lý về cơ chế giá bởi thực tế Việt Nam chưa làm được vấn đề này./.
Sáng 26/3, Uber Technologies ra thông báo xác nhận đồng ý bán mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á, nơi có 620 triệu dân cho Grab và đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab.
Cùng ngày, Grab và Uber tại Việt Nam đồng loạt ra thông báo hợp nhất. Theo đó, ứng dụng của Uber sẽ biến mất sau ngày 8/4, các lái xe Uber muốn tiếp tục hợp tác cần đăng ký lại với Grab, còn khách hàng cũng sẽ tạm biệt ứng dụng của Uber.
Khi Uber gửi thông báo chính thức cũng là lúc tất cả văn phòng của Uber đóng cửa.
Hiện Uber chưa có thêm bất kỳ thông báo nào hướng dẫn cho đối tác của mình về quy trình chuyển đổi sang ứng dụng mới.
Theo Phi Long/VOV.VN