Doanh nghiệp “kêu” lương tối thiểu vùng với Thứ trưởng Bộ Lao động

(Dân trí) - “Ngoài trả lương, mức lương tối thiểu vùng còn là công cụ để khuyến khích người lao động. Nhưng lương tối thiểu vùng 1 hiện đã bằng 70 % thu thập của người làm công ăn lương (mức trung bình lương là 4.700.000 đồng). Vậy, doanh nghiệp còn gì để động viên người lao động làm việc”.

Doanh nghiệp “kêu” lương tối thiểu vùng với Thứ trưởng Bộ Lao động - 1

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN, chia sẻ quan đểm tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động. Chương trình được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 2/6 tại Hà Nội.

Xem xét lại mức tăng

Ông Trương Văn Cẩm phân tích: “Điều 91 Luật lao động đã quy định lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhưng nhu cầu sống của con người luôn biến động. Vậy tới bao giờ mới có thể đáp ứng đủ!. Nếu quy định gốc còn chưa chắc chắn thì sẽ khó có căn cứ”.

Lo lắng tới nguy cơ giảm tính khuyến khích do tăng quá nhanh lương tối thiểu vùng, ông Trương Văn Cẩm cho rằng: “Lương tối thiểu vùng không chỉ để trả lương mà còn là công cụ để khuyến khích người lao động. Nhưng hiện nay, lương tối thiểu vùng 1 đã bằng 70 % thu thập khu vực làm công ăn lương (so với mức lương trung bình 4.700.000 đồng). Do vậy, điều này đã triệt tiêu tính khuyến khích và các hình thức thưởng liên quan để động viên người lao động”.

Cũng bàn về lương tối thiểu vùng, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên - đặt vấn đề: “Việc xác định mức sống tối thiểu như thế nào là chuẩn? Tại sao công thức lương tối thiểu vùng tính để người lao động phải nuôi được 1 người con?”

Cho rằng chưa hợp lý, ông Nguyễn Xuân Dương phân tích: Thời gian nuôi người con từ lúc mới sinh tới khi trưởng thành trung bình 18 năm hoặc cùng lắm là 23 năm - sau khi người con tốt nghiệp đại học. Lúc đó, người lao động cũng chỉ hơn 40 tuổi. Vậy sao lại áp dụng công thức tính lương tối thiểu vùng cho người lao động suốt cả đời làm việc, tức là tới 55-60 tuổi?”.

“Các phân tích của doanh nghiệp đều có yếu tố hợp lý. Tuy nhiên vẫn chỉ ở góc độ của người sử dụng lao động. Còn đứng ở góc độ người lao động và người hưu trí thì cũng còn là những câu hỏi lớn về việc tìm ra sự cân đối, hài hòa” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân.

Ông Nguyễn Xuân Dương so sánh với mức lương của khối công chức - viên chức. “Mức lương khởi điểm của cử nhân/kỹ sư chỉ khoảng 2.800.000 đồng (mức 2,34 x 1.210.000 đồng). Với khối doanh nghiệp, một người lao động mới vào nghề, chưa được đào tạo gì mà đã nhận lương 3.500.000 đồng/tháng (lương tối thiểu vùng 1) thì sẽ khó cho khả năng chịu đựng của doanh nghiệp!”.

Bổ sung nội dung về lương tối thiểu

Lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Minh Huân chia sẻ quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH luôn tuân thủ nguyên tắc bảo vệ người lao động và đảm bảosự phát triển doanh nghiệp.

Chia sẻ phần nào những bất cập do doanh nghiệp phản ánh về lương tối thiểu vùng, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: “Theo quy trình của Quốc hội sẽ cần phải ban hành Luật lương tối thiểu. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ bàn với Ủy ban các vấn đề xã hội để đưa thêm 1 số nội dung về lương tối thiểu trong đợt sửa Luật Lao động để đáp ứng tình hình thực tế”.

Theo Bộ Luật Lao động, lương tối thiểu vùng được xác định bởi 3 yếu tố: Nhu cầu, điều kiện kinh tế xã hội và tiền công trên thị trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận một thực tế: “Hội đồng tiền lương Quốc gia đôi lúc lại nhấn mạnh quá nhiều tới yếu tố nhu cầu khi bàn về tăng lương tối thiểu vùng”.

Nhìn lại tốc độ tăng lương tối thiểu vừa qua, Thứ trưởng Phạm Minh Huận cho rằng tốc độ tăng rất lớn thời gian. Chuẩn bị cho mùa tăng lương tối thiểu vùng 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ phải xem xét thêm các yếu tố. “Sự tương quan khu vực để giữ cạnh tranh quốc gia và khả năng phát triển của doanh nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên - “Chúng ta đang đi sau thế giới nên cầng tăng cường làm việc mới có thể đuổi kịp. Về thời gian làm thêm, tôi đề nghị nên để chủ doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động trên nền khung thời gian (theo tháng, theo tuần).

Tại VN, người công nhân làm đủ 8 h/ngày thì lương trung bình chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Vậy thì tiền đâu nuôi con, thuê nhà và tích lũy?. Với công ty của tôi, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tăng thời giam làm thêm. Thu nhập của người lao động tăng lên từ 7-9 triệu đồng/tháng. Chẳng có người lao động nào đình công.

Hoàng Mạnh