Sống ở đáy sông

Từ bến phà Ô Môi, bên bờ thành phố Long Xuyên, chúng tôi thuê một chiếc đò máy nhỏ băng qua sông Hậu đến cồn Phó Ba, một ốc đảo thuộc ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang. Nơi đây có nghề lặn nổi tiếng từ xưa đến nay.


Đội thợ lặn đang trục vớt tàu chìm.

Đội thợ lặn đang trục vớt tàu chìm.

Mưu sinh

Vừa cặp bờ cồn, đi một đoạn chừng trăm mét đã nghe tiếng lao xao, tiếng cụng ly côm cốp, rồi tiếng “zdô, zdô!”. Đến nơi thấy một nhóm chừng mươi người đàn ông đang nhậu và nói cười rôm rả. Chủ nhà, ông Lâm Văn Thanh (46 tuổi) nói liền: “Vừa trúng mánh nên bữa nay mua heo quay cúng “bà cậu”, không thì bị quở trách…”.

Ông Thanh là đội trưởng đội thợ lặn ở cồn Phó Ba. Trong cơn hào hứng, ông kể một lèo, rằng đội của ông vừa trục vớt thành công chiếc tàu hơn 200 tấn chở cát bị chìm cách nay gần tuần ở đầu cồn Thốt Nốt (TP Cần Thơ). “Bữa đó, đang ở nhà thì nhận được điện thoại của chủ tàu bị nạn kêu nhờ lặn kéo tàu lên. Tôi liền kêu thêm 6 anh em trong đội đến làm. Thời điểm này mùa lũ nên nước sông Hậu đổ về chảy mạnh, khó lặn. Hơn nữa, chỗ đó sâu hơn 20m, phải lặn xuống tới đáy rồi dùng máy hút cát ra ngoài. Sau đó,

dùng ống hơi bơm vào ụ nổi để “bắn” thân tàu lên, mất 4 ngày mới xong. Cả đội được trả công 20 triệu đồng, chia ra mỗi người được vài, ba triệu, ai cũng vui…”.

“Ban đầu hơi sợ nhưng làm riết quen. Mình nghĩ, cứu người hay tìm được xác người là quan trọng nhất vì họ chết mà chưa được yên, còn phải nằm dưới nước lạnh lẽo” - ông Lâm Văn Thanh, thợ lặn ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang

Tháng trước, ông tiếp lời, trên huyện Chợ Mới (An Giang) có tàu chìm, lúc đó đã có mấy nhóm thợ lặn từ Đồng Tháp, Châu Đốc, Hồng Ngự đến coi tình hình, nhưng họ thấy “khó ăn” nên bỏ chạy. Đến khi tôi nhận được điện thoại tới xem rồi nhận làm. Chỗ đó nước chảy mạnh, sâu hơn 30m.

Chưa kể chiếc tàu chìm nằm giữa sông, muốn nâng lên được phải lặn xuống, chui vào bên trong khoang trám các chỗ bị thủng rồi mới bơm nước ra được. Cánh thợ lặn khác họ ngán nhất là ở độ sâu 30 - 40m. Khi đi lần mò vô sâu trong khoang sợ ống thở không may quắp lại, không thở được. Lúc đó, sẽ không có đường ra, mất mạng như chơi. “Trong nghề hơn nhau ở chỗ “dám liều”, chứ bình thường ai chẳng làm được”- ông Thanh đắc chí.

Không phải chỉ có những “hợp đồng béo bở”, nghề lặn còn luôn phải làm những việc bất đắc dĩ: Vớt xác người. Ông Thanh kể, cách nay một tháng, đội của ông lặn vớt xác 2 người chết vì bị chìm ghe ở bến đò Thịnh Tiến, bên huyện Chợ Mới (An Giang). Vài tháng trước đó, ông vớt xác 3 mẹ con đi ghe lớn bị xà lan đâm chìm ngay khu vực ngang chợ Long Xuyên.

Ông cho biết, mỗi năm vớt mấy chục xác người và hơn 30 năm qua, kể từ khi vào nghề đến nay, ông không thể nhớ hết bao nhiêu nạn nhân xấu số được ông và đồng nghiệp đưa lên từ đáy sông, vớt nhiều đến mức không thể nhớ nổi.

“Nhiều trường hợp, ghe chìm giữa sông, nạn nhân mắc kẹt bên trong khoang, chết nằm tận đáy sông. Muốn vớt xác họ lên phải lặn xuống đó rồi chui vào trong khoang mò tìm, lục tung khắp mọi nơi, đến khi mò đụng xác người và kéo lên”- ông Thanh kể. Phần lớn việc vớt xác là việc thiện, thân nhân người bị nạn nào có điều kiện và nghĩ đến bồi dưỡng bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, anh em thợ lặn chưa bao giờ đòi hỏi.

Đối mặt hiểm nguy

Trong căn nhà sàn cấp bốn vắng vẻ, yên ắng ở đầu cồn, bà Nguyễn Thị Kim Mai (50 tuổi) cùng người chị chồng và con trai đang ngồi vá áo. Thấy khách đến, bà Mai dừng tay tiếp chuyện. Bà kể, trước đây bà thường cùng chồng làm nghề lặn chài cá.


ông Trần Văn Thuận đang khấn vái “bà cậu”.

ông Trần Văn Thuận đang khấn vái “bà cậu”.

“Lặn ngụp bất kể ngày đêm, lạnh lẽo hay nắng như đổ lửa. Hôm nào làm thì có tiền, leo lên bờ khô áo là sạch túi, đói. Cũng vì cuộc sống mà chồng tôi mất mạng…”- bà Mai buồn rầu. Bà tâm sự trước di ảnh chồng: “Chồng làm riết kiệt sức. Bị bệnh sốt nóng lạnh nhưng vẫn ráng làm để kiếm cơm, lo cho con ăn học. Làm ngày được vài trăm ngàn, tuy nhiên có lúc thất bát lỗ cả tiền dầu”.

Giọng đều đều, bà kể về ngày định mệnh của chồng, ông Bảy Lợi: “Khoảng 5 giờ sáng 29/10/2015, hai vợ chồng thức dậy sớm chạy ghe từ nhà đi chài cá ở mé bờ Long Xuyên, cách nhà hơn một cây số. Đến nơi, chồng quăng chài xuống sông, lặn sâu hơn chục mét, còn tôi ngồi trên ghe phụ chồng. Ít phút sau thấy chồng nổi lên mặt nước trong trạng thái mặt úp xuống.

Tôi thấy có dấu hiệu lạ nên vội kéo chồng ngửa ra thì thấy mặt sưng phù. Hoảng quá, tôi tri hô cho mọi người đến cứu giúp. Khi kéo chồng lên bờ thì ông không nói năng gì nữa, mình mẩy tím tái. Hai tay chồng bỗng vuốt bụng rồi nhắm mắt. Tôi như chết đứng, chỉ biết ôm chồng khóc. Anh em bên cồn chạy sang chở đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn”.

Theo bà Mai, vợ chồng bà không ruộng đất, sống ở xứ cồn này nhưng chỉ có miếng đất đủ cất cái chòi vài chục mét vuông. Trước đây, chồng đi bạn (làm thuê) cho người hàng xóm vài năm, được anh em giúp đỡ tiền mua chiếc ghe và bộ đồ nghề để “ra riêng”.

Hai vợ chồng cố gắng dành dụm nhưng chưa đủ tiền cất nhà mới thì chồng bỏ mạng. Từ khi ông Bảy Lợi mất, em chồng nghèo, có căn nhà bên cạnh, bỏ xứ đi lên Bình Dương làm thuê, để lại cho mẹ con bà ở nhờ đến giờ. Con trai bà, 15 tuổi đang học lớp 6, khi cha mất cuộc sống khó khăn, đành phải bỏ học giữa chừng.

Có thâm niên gần 40 năm trong nghề lặn, ông Trần Văn Thuận (52 tuổi), ở khóm 1, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) hai chân không bình thường, tập tễnh bước thấp bước cao. Ông cho biết, đôi chân dị tật của ông có nguyên nhân từ việc lặn sâu. “Năm 26 tuổi, tôi lặn mò phế liệu của tàu chiến Pháp bị bắn chìm ở biển Trà Vinh, ở độ sâu gần 50 mét.

Lần đó, lặn gần cả tiếng đồng hồ dưới nước sâu nên bị ép tim, liệt hai chân, mình mẩy không cử động được. Đồng nghiệp chở đến bệnh viện tại Trà Vinh nhưng họ “bó tay” phải chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Điều trị 3 tháng trời, vợ ở nhà chạy vạy vay mượn khắp nơi mới được mấy chục triệu lo thuốc thang, viện phí” – ông Thuận kể. Sau lần đó, ông Thuận kiên trì luyện tập hơn ba năm mới dần hồi phục, nhưng không bao giờ trở lại bình thường như trước.

Nối nghiệp

Ông Thuận cho biết: “Sau lần suýt mất mạng, mọi người khuyên bỏ nghề, kiếm việc khác nhẹ nhàng hơn. Nhưng tôi nói, sinh nghề tử nghiệp, đã theo nghề thì sống chết với nó chứ chuyển sang nghề khác thì không biết làm gì. Hơn nữa, nhà không ruộng đất, làm nghề này được cái có tiền liền đem về đong gạo hằng ngày được, còn việc khác phải đợi đến tháng mới có tiền”. Người con trai duy nhất của ông cũng theo nghiệp lặn.


ông Lâm Văn Thanh (bìa trái) cùng thành viên trong đội.Ảnh: Hòa Hội

ông Lâm Văn Thanh (bìa trái) cùng thành viên trong đội.Ảnh: Hòa Hội

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, nhưng ở cồn Phó Ba có rất nhiều gia đình cha truyền con nối. Gia đình ông Lâm Văn Thanh có 3 đời theo nghiệp lặn. Người cha tên Lâm Văn Thuận đã 75 tuổi, tuy sức khỏe yếu không lặn sâu được, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn tham gia đội lặn, đứng trên ghe chỉ huy và phụ cầm ống hơi. Con trai ông Thanh, Lâm Văn Nhi (23 tuổi) cũng đang theo ông và cha làm nghề cơ cực này.

Gặp ông Nguyễn Văn Thiệt đang ngồi vá lại đống chài lưới. Ông Thiệt cho biết gia đình ông có 4 đời làm nghề lặn, từ đời ông nội ông cho đến giờ là đời con ông. Bản thân ông biết lặn từ năm 17 tuổi. Khi đi bộ đội, ông tham gia đội trục vớt. Rời quân ngũ trở về, ông tiếp tục làm nghề lặn. “Lặn để bắt cá cũng như vớt ghe tàu chìm đều vô cùng vất vả. Bởi lặn ở độ sâu từ 20-30m nước mà đồ nghề chỉ có mỗi ống dây và chiếc máy tạo hơi”- ông Thiệt nói.

Kể từ khi gắn bó với nghiệp lặn, không ít lần ông bị hộc máu mũi, máu tai vì sức ép của nước, thậm chí có những lần suýt mất mạng. “Nghề lặn đòi hỏi phải có sức khỏe tốt thì mới chịu đựng được áp suất khi lặn sâu.

Cái nguy hiểm của nghề này là ống hơi bị nổ bắn vào mắt, sức ép khiến thủng màng nhĩ, lặn lâu khiến mắt bị mờ, gặp sự cố, coi như mất mạng”- ông Thiệt đúc kết. Ông cũng trải lòng: “Những người thợ lặn chỉ mong có cuộc sống ổn định. Họ luôn đối mặt với hiểm nguy, rủi ro nhưng lên bờ thì không có đất sản xuất đành bám víu cái nghiệp này. Con cái lớn lên lại nối nghiệp cha tạo thành vòng luẩn quẩn…”.

Ông Thái Văn Phải, tổ trưởng tổ 5, ấp Mỹ Thạnh cho biết: Cồn Phó Ba rộng khoảng 27 héc-ta, có trên 300 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng nghề lặn sông. Người dân ở đây phần lớn nghèo, ít ruộng đất nên phải theo nghề lặn. Ngoài ra, nhiều người khác làm nghề đưa đò qua sông, buôn bán nhỏ sống đắp đổi qua ngày.

Theo Báo Tiền Phong