1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Sớm nghiên cứu việc hạn chế nguy cơ sa thải hàng loạt người lao động"

(Dân trí) - “Từ 6 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2009, tới tháng 6/2019, cả nước có gần 13 triệu người lao động tham gia chính sách. Dù có nhiều thành công, chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn cần sự điều chỉnh phù hợp với tốc độ thay đổi, phát triển nhanh và đa dạng của thị trường lao động".

Sớm nghiên cứu việc hạn chế nguy cơ sa thải hàng loạt người lao động - 1

Ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Hội nghị Truyền thông về Việc làm. Chương trình do Cục Việc làm và Tạp chí Lao động và Xã Hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hôm 22-23/8 tại Thái Nguyên.

Đánh giá chung về thị trường việc làm, Phó Cục trưởng Cục Việc làm nhận định, lực lượng lao động của Việt Nam đang đạt “con số vàng” với hơn 50 triệu người. Trong khi những năm gần đây, Việt Nam đã và sắp tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTTP, EVFTA…qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó có nguồn việc làm. 

“Đây chính là cơ hội lớn cho người lao động trong tìm kiếm công việc, tăng thu nhập và tăng cường hiểu biết trong môi trường làm việc mới” - ông Lê Quang Trung nhận định.

Ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

Tuy nhiên, đại diện Cục Việc làm cũng khuyến cáo người lao động: “Trong sự hội nhập nhanh và rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, các ngành mới và thâm dụng tri thức sẽ sử dụng nhiều lao động. Do đó, người lao động cần nâng cao năng lực của mình cùng với các chính sách của nhà nước để nắm bắt cơ hội”. 

Bên cạnh những kết quả đạt được về chính sách việc làm, đặc biệt là việc phát triển tỷ lệ bao phủ và các ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Quang Trung thẳng thắn thừa nhận, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện vẫn chưa thực sự gắn với thị trường lao động, cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì việc làm nhằm tránh sa thải lao động.

“Đặc biệt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ tới nhóm lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng tới 3 tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao, dễ bị ảnh hưởng hưởng nhất từ những thay đổi của thị trường lao động” - Cục phó Cục Việc làm cho biết.

Về phía cơ quan xây dựng chính sách việc làm, thời gian tới, ông Lê Quang Trung cho biết, Cục sẽ tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường lao động, đặc biệt là dự báo về cầu lao động về ngắn hạn và dài hạn.

Cục sẽ tăng cường nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt là công tác tư vấn giới thiệu việc làm, công tác tư vấn giới thiệu việc làm, đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch việc làm nhằm gắn kết giữa người lao động và nhà tuyển dụng.

Đặc biệt, Cục sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, qua đó nhằm giúp người lao động nắm bắt các cơ hội trợ giúp, thông qua việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, qua đó nhanh chóng tiếp cận với thị trường lao động.

“Trong giai đoạn 2021-2022, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chuẩn bị đánh giá việc thực hiện Luật Việc làm, chuẩn bị hồ sơ đề suất sửa đổi Luật Việc làm, hướng tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan tổ chức ngăn ngừa việc sa thải lao động hàng loạt và hỗ trợ người lao động “giữ” người lao động ở lại làm việc thông qua công cụ tiền lương, bảo hiểm…Đặc biệt là ở các ngành có tính chất đặc thù, thời vụ hoặc dễ bị tác động” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu các chương trình và dự án nhỏ dành cho từng nhóm đối tượng cụ thể, qua đó nhằm giúp người lao động hoà nhập vào thị trường lao động và có việc làm bền vững.

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 79.000 tỷ đồng

Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm), tổng số chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp ước thực hiện năm 2018 là 9.722 tỷ đồng, trong đó: Chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi bảo hiểm y tế chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Giải thích về ý nghĩa của nội dung đào tạo nghề cho lao động hưởng thất nghiệp, ông Trần Tuấn Tú cho biết: “Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách hỗ trợ có tính ngắn hạn. Do đó, nội dung đào tạo trong bảo hiểm thất nghiệp chỉ có tính chất hỗ trợ người lao động các kỹ năng và một phần kiến thức nhằm bổ trợ cho trình độ, kinh nghiệm vốn có, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động”.

Số liệu công bố tại Hội nghị cho thấy, ước kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo an toàn.

Hoàng Mạnh