1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp ở mức bình quân 4,9 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018, cả nước có hơn 12,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 87,7% số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Kết quả trên gấp đôi so với năm 2009 - thời điểm bắt đầu thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp không ngừng tăng qua các năm, tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng của người lao động là 4,9 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017.

Theo ông Lê Quang Trung - Cục Phó phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2018 là 15.531 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng).

Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp ở mức bình quân 4,9 triệu đồng/tháng - 1

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được đặc biệt quan tâm, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tập trung triển khai thực hiện, đa dạng hóa các hình thức và cải tiến quy trình thực hiện.

“Nếu như năm 2010, cả nước có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt người tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010” - Cục phó Cục Việc làm cho biết.

Theo báo cáo của 63 Trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, số người được hỗ trợ học nghề liên tục tăng qua các năm, năm 2015 có 24.363 người được hỗ trợ học nghề; đến năm 2018 số người được hỗ trợ học nghề là 37.977 người.

Đến nay, cả nước đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương....

Bên cạnh những ưu điểm trong triển khai chính sách, ông Lê Quang Trung - cho biết một số hạn chế.

“Đơn cử như đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao” - ông Lê Quang Trung nố.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá chính sách còn thiếu các giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động duy trì việc làm, ngăn ngừa sa thải lao động, chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề.

“Đặc biệt, nhận thức về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao. Không ít người lao động và người sử dụng lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp…” - ông Lê Quang Trung cho biết.

GIAO LƯU GIẢI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP 2019

Nhằm cung cấp các thông tin cập nhật cũng như giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Chuyên mục Việc làm (Báo điện tử Dân trí) và Cục Việc Làm (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2019.

Thời gian: Từ 9h-11h, ngày 8/8/2019

Địa điểm: Trụ sở Báo điện tử Dân trí, số nhà 48, ngõ 2, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.

Khách mời: Ông Lê Quang Trung - Cục Phó phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH).

Bạn đọc quan tâm và có câu hỏi thắc mắc về chính sách, xin điền thông tin ở bên dưới.

Việc làm