1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bông điên điển ngon khi còn là búp, chưa nở rộ. Sau vài giờ hái, người dân kiếm được 250.000 - 300.000 đồng.

Bông điên điển là sản vật đặc trưng của miền Tây vào mùa nước nổi. Trước đây loại cây này mọc hoang dã ở vùng ngập nước, ao đầm, hay được trồng theo bờ ranh đất trống. 

Vị hơi ngọt, thơm ngon, bông điên điển là nguyên liệu không thể thiếu trong món lẩu mắm, canh chua cá, bún cá. Giờ đây, bông điên điển còn được kết hợp chế biến thành các món ăn lạ miệng như gỏi, bánh xèo...

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 1

Bông điên điển là loại rau đặc trưng của mùa nước nổi ở miền Tây (Ảnh: Bảo Kỳ).

Giữa khuya soi đèn hái bông điên điển đầu mùa nước nổi (Clip: Bảo Kỳ).

Do có giá trị và được ưa chuộng nhiều, người dân trồng thêm bông điên điển Thái, cho thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, cả người trồng bông điên điển và khách ăn lâu năm đều cho rằng bông điên điển trổ vào mùa nước nổi luôn có hương vị thơm ngon hơn. 

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 2

Để thu hoạch bông điên điển khi còn búp người dân phải thức từ 1h (Ảnh: Bảo Kỳ).

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 3

Khi hái bông điên điển cần đeo khẩu trang trùm kín đầu để tránh bồ hóng chui vào lỗ tai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Nguyễn Thị Chơn (59 tuổi, ngụ tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang) trồng loại cây này gần 6 năm nay cho biết, sau 3 tháng trồng, điên điển có thể cho thu hoạch. Mùa nước nổi, bông điên điển nở kéo dài khoảng 2-3 tháng. Đây là thời điểm bông trổ rộ và đều nhất trong năm.

Bông điên điển trổ từ khuya đến sáng hôm sau. Để bông ngon và bán có giá, vợ chồng bà phải đi hái lúc nửa đêm, khi búp hoa chưa nở rộ.

"Ngày nào vợ chồng tôi cũng dậy từ 1h để soi đèn hái bông điên điển. Sau 4 - 5 giờ, gia đình thu hoạch được 5 - 6 kg (tùy con nước) để mang ra chợ Nhà Bàng, chợ Châu Đốc giao cho tiểu thương", bà Chơn chia sẻ. 

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 4

Bà Chơn khoe mẻ bông điên điển tươi ngon sau 4 tiếng thu hoạch (Ảnh: Bảo Kỳ).

Do hái lúc trời khuya rất dễ gặp côn trùng, rắn rết người thu hoạch bông điên điển cần trang bị áo khoác, khẩu trang trùm đầu, ủng cao su. Vật dụng không thể thiếu với người đi thu hoạch là chiếc đèn pin cài trên đầu. 

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 5

Mùa nước nổi, bông điên điển nở kéo dài 2-3 tháng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Nguyễn Văn Sang (chồng bà Chơn) nói thêm, nhờ bông điên điển, thu nhập gia đình được cải thiện đáng kể. Trước đây ông đi làm hồ, công việc cực nhọc cả ngày mà tiền công chỉ khoảng 200.000 đồng. Từ lúc chuyển sang trồng bông điên điển ông không phải làm thuê mướn mà đã tự chủ được kinh tế. 

"Bông điên điển đầu mùa có giá 50.000 đồng/kg. Mỗi ngày bình quân tôi kiếm được 250.000 - 300.000 đồng", ông Sang cho hay. 

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 6

Nhờ bông điên điển, ông Sang không phải lao động nặng nhọc nhưng vẫn có thu nhập khá mỗi ngày (Ảnh: Bảo Kỳ).

Đối với bà con vùng lũ như ông Sang, bà Chơn, bông điên điển là loại cây giúp người dân thoát nghèo. Cây phát triển rất nhanh, không cần chăm sóc mà vẫn cho bông rất sai. Sau mỗi vụ chỉ cần bón ít phân để cây tăng trưởng tươi tốt, mau ra bông vụ tiếp.

Gia đình ông Sang có gần 1.000 m2 đất trồng bông điên điển. Ông nói, nhờ điên điển mà ông bà có thu nhập ổn định ở tuổi xế chiều. 

Soi đèn xuyên đêm gom bông điên điển mùa nước nổi - 7

Người dân bán bông điên điển, cà na... dọc đường ở An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).