1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sinh viên hối hả kiếm tiền dịp Tết

Còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, để có thêm tiền tiêu cũng như mua quà cho gia đình… nhiều sinh viên đã “tăng tốc” làm thêm. Đối với những sinh viên nghèo, dịp này là cơ hội làm thêm tốt nhất bởi lương cao, dễ tìm việc.

Nguyễn Thúy Hà - sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân (từ phải qua) chọn việc phát tờ rơi để có thu nhập mua vé tàu xe và tiêu dịp Tết. Ảnh: Q.A
Nguyễn Thúy Hà - sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân (từ phải qua) chọn việc phát tờ rơi để có thu nhập mua vé tàu xe và tiêu dịp Tết. Ảnh: Q.A

Tranh thủ “cày” thêm kiếm tiền

Dịp gần Tết này, nhiều doanh nghiệp đang tuyển nhân viên phát tờ rơi, phát quà khuyến mãi, bán hàng, chạy bàn… Đây là những công việc sinh viên có thể làm thêm. Chỉ  2-3 giờ/1 ca với thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng, nhiều bạn sinh viên đã có một khoản thu nhập đáng kể.

Chọn công việc “chạy bàn” cho một nhà hàng ở đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội), Nguyễn Đức Thành, sinh viên năm thứ 3 ĐH Giao Thông Vận tải cho biết: “Quê em ở Nghệ An, dịp Tết gia đình cũng phải chi tiêu nhiều khoản, nên em cố gắng đi làm dịp này để có tiền mua vé tàu về và ra.

Công việc chạy bàn cũng khá vất vả vì lượng khách đông hơn, nhưng bù lại mức lương làm theo ca cũng khoảng 3 triệu đồng/tháng, được ăn một bữa. Cô chú chủ nhà hàng còn hứa sẽ thưởng Tết cho những ai làm tốt trong tháng này. Số tiền này giúp em đủ tiền mua vé tàu về quê và dư một chút để tiêu dịp Tết”.

Gia đình không dư dả nên với Nguyễn Thúy Hà (quê ở Thanh Hóa) - sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã phải chọn cho mình công việc đi phát tờ rơi. Hà chia sẻ: “Thời điểm này sinh viên tụi em có khá nhiều lựa chọn để đi làm thêm lấy tiền tiêu Tết, thậm chí có tiền để mua quà Tết biếu bố mẹ. Em lựa chọn công việc phát tờ rơi vì thấy khá phù hợp với thời gian của mình. Hàng ngày em học sáng nên buổi chiều đi phát tờ rơi, mỗi ca khoảng 3 giờ, công việc vất vả nhưng mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 150.000 - 200.000đồng, cố gắng làm từ giờ tới lúc nghỉ Tết là được một khoản mua vé xe, mua quà biếu bố mẹ và đi chơi Tết”.

Nhận dọn dẹp nhà cửa, giúp việc cho các gia đình là công việc mà Hương Lê - sinh viên ĐH Điện lực Hà Nội đã làm và mang lại thu nhập khá vào dịp Tết năm ngoái. Hương Lê chia sẻ: “Dịp này có rất nhiều gia đình có nhu cầu, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ, ở chung cư. Em đã làm công việc dọn dẹp, trông trẻ, nấu nướng cho vài gia đình ở Cầu Giấy. Các gia đình thuê theo giờ là 80.000đồng/giờ, có nhà thuê theo tháng nhưng mỗi ngày chỉ làm khoảng 2giờ là xong. Em đang nhận làm cho 4 nhà, tính ra mỗi ngày chỉ làm khoảng 7giờ, từ giờ tới cuối tháng cũng thu nhập khoảng 6 triệu đồng”.

Thu nhập cao nhưng cũng lắm “bẫy”

Đa số sinh viên làm thêm dịp Tết là để kiếm tiền lo chuyện về quê, nhưng cũng có nhiều bạn không phải do nhà xa, hoàn cảnh không quá khó khăn nhưng vẫn lựa chọn việc ở lại Thủ đô, vì cơ hội kiếm tiềm vào những ngày này dễ dàng hơn rất nhiều so với ngày thường. Làm thêm rất hữu ích cho sinh viên, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có được kinh nghiệm sống.

Tuy nhiên, cơ hội việc làm khá nhiều, song cũng không ít bạn sinh viên phải đối mặt với những “bẫy” khi tìm việc, dẫn tới cảnh vừa mất tiền vừa lãng phí thời gian.

Đức Tú - sinh viên năm nhất, ĐH Quốc gia Hà Nội kể: “Em đến trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Láng (quận Đống Đa) thì được giới thiệu đi trực tổng đài điện thoại. Họ bắt phô tô chứng minh thư, nộp phí 200.000đồng, lúc đầu em thấy xót tiền nhưng họ bảo thu nhập khá, có thể kiếm 2 triệu một tháng. Nhưng khi mang giấy giới thiệu của trung tâm sang công ty thì họ cũng bắt đặt cọc 500.000đồng và mua hồ sơ 100.000đồng mới nhận làm. Em không có tiền, xin rút lại nhưng bên trung tâm không giữ lời hứa lại bảo họ chỉ có trách nhiệm đưa em sang đó. Thế là mất trắng 200.000đồng và mất công đi lại, gọi điện”.

Tương tự, Đào Hùng (Học viện Tài chính) cũng vừa bị một “vố” đau với công việc ship hàng. Hùng kể, em nhận của khách đơn hàng 6 bộ ấm chén, đặt cọc 3 triệu đồng từ bến xe Mỹ Đình, đến lúc đi giao hàng tới địa chỉ thì không đúng, gọi lại số điện thoại người gửi lẫn người nhận đều không liên lạc được. Đành phải suốt ngày mang số ấm chén đi bán, rao mãi cũng chẳng mấy ai quan tâm. Giờ chỉ mong bán nhanh, thu lại nửa số tiền bỏ ra cũng được”.

Có thể thấy, dịp sắp Tết Nguyên đán là thời điểm khá sôi động về việc làm thêm dành cho sinh viên. Dạo qua nhiều trang web, diễn đàn dành cho sinh viên, hay ở trên các cột điện, bảng thông báo… những ngày này, có thể tìm thấy vô vàn các thông tin tuyển dụng với nội dung hấp dẫn.

Tuy nhiên, không ít sinh viên đã bị nếm “trái đắng” do bị lừa tiền đặt cọc, tiền công, thậm chí một số sinh viên vì “hám làm giàu” mà tham gia các hệ thống bán hàng đa cấp, vừa mất thời gian, ảnh hưởng tới việc học và lâm vào cảnh nợ nần.

Vì những lý do khác nhau, nhiều sinh viên đã chấp nhận căng mình làm thêm dịp Tết. Theo chia sẻ của nhiều sinh viên có kinh nghiệm làm thêm, để tránh bị lừa đảo, quỵt tiền công, sinh viên muốn tìm việc làm thì tốt nhất nên nhờ người thân giới thiệu, vì đó mới đảm bảo được công việc và tiền lương. Qua trung tâm thì phải hỏi ý kiến bạn bè xem trung tâm đó có tin cậy hay không, tránh tìm việc qua tờ rơi, lời mời chào hấp dẫn trên mạng Internet.

Theo Báo Gia đình & Xã hội