"Siết" thi chứng chỉ ngoại ngữ, lao động đi Nhật mất ăn mất ngủ
(Dân trí) - Học viên thực tập sinh đang lo lắng không kịp thi chứng chỉ tiếng Nhật để sang Nhật làm việc. Doanh nghiệp thì lo việc chờ thi kéo dài có thể khiến học viên nản chí, bỏ cuộc giữa chừng.
Sau Thông tư số 11 ngày 26/7 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, nhiều địa phương yêu cầu tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Việt Nam.
Ảnh hưởng nặng nhất từ quyết định này là các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh. Tuy nhiên, các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng bị điều chỉnh theo Thông tư 11. Hiện các đơn vị tổ chức thi các chứng chỉ tiếng Nhật đã quyết định hoãn kỳ thi NAT-Test sắp tới, kỳ thi JLPT trong tháng 12 thì chưa có kết quả rõ ràng.
Khảo sát ý kiến một số doanh nghiệp cho thấy, việc tạm dừng thi chứng chỉ tiếng Nhật đang có tác động nhất định đến hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng vì Nhật là thị trường chính của hoạt động này.
Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc công ty TNHH Esuhai, việc tạm dừng thi chứng chỉ tiếng Nhật có thể ảnh hưởng đến 2 nhóm là người đi Nhật du học và thực tập sinh ngành Kaigo (chăm sóc người cao tuổi) vì 2 nhóm này cần có chứng chỉ tiếng Nhật mới đủ điều kiện sang Nhật.
Tuy nhiên, thế mạnh của Việt Nam là đưa thực tập sinh các ngành kỹ thuật, công nghiệp phụ trợ đi Nhật nên hoạt động này chưa bị ảnh hưởng. Tuy vậy, về lâu dài, nếu chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật yêu cầu có chứng chỉ tiếng Nhật thì sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Ông Lê Long Sơn cho biết, hiện ở Việt Nam có 2 kỳ thi chứng chỉ tiếng Nhật phổ biến là JLPT và NAT-Test. Hiện kỳ thi chứng chỉ NAT-Test đã có thông báo tạm dừng, còn kỳ thi JLPT thì chưa có thông tin chính thức. Tuy nhiên, kỳ thi chứng chỉ NAT-Test tổ chức hàng tháng rất thuận lợi cho người có nhu cầu; còn kỳ thi JLPT mỗi năm chỉ tổ chức 2 lần vào tháng 7 và tháng 12.
Hiện người có nhu cầu chứng chỉ tiếng Nhật có thể chờ đến tháng 12 để thi chứng chỉ JLPT. Nhưng nếu không đạt thì họ phải chờ đến tháng 7 năm sau mới có kỳ thi tiếp theo, ảnh hưởng nhiều đến cơ hội nghề nghiệp, học tập tại Nhật của lao động trẻ trong thời gian tới.
Với Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động và chuyên gia Suleco (Suleco EDU), việc tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật gây ảnh hưởng khá lớn đến công ty.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Suleco EDU cho biết: "Đối học viên đăng ký làm việc ngành Kaigo thì cần có chứng chỉ Nhật ngữ JLPT N4 mới đầy đủ điều kiện nộp hồ sơ xin tư cách nhập cảnh. Các em đã học tập nghiêm túc và ôn luyện rất kỹ với kỳ vọng sẽ đạt JLPT N4 vào kỳ thi thường niên đầu tháng 12 nên khi biết tin tạm dừng kỳ thi đã khiến cho các em lo lắng, mất tập trung".
Không những học viên mà giáo viên của Suleco EDU cũng bị ảnh hưởng vì chính giáo viên cũng có nhu cầu thi chứng chỉ để nâng cao trình độ, bằng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí công việc, tăng lương...
Như ở Suleco EDU, giáo viên đều có trình độ Nhật ngữ đầu vào từ JLPT N2 nhưng ai cũng có nhu cầu thi lên trình độ JLPT N1 để đạt vị trí tốt hơn. Với quyết định dừng thi này, các thầy cô phải tạm dừng việc thi năng lực Nhật ngữ.
Tổng giám đốc công ty TNHH Esuhai cho rằng, việc Bộ GD&ĐT kiểm soát chặt chẽ các quy định tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ là điều rất cần thiết, giúp chứng chỉ đảm bảo được tổ chức theo đúng quy định của nhà nước, và chất lượng chứng chỉ thể hiện đúng năng lực của người được cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, ông Lê Long Sơn đề nghị nên sớm đưa ra lộ trình để các chứng chỉ thi quốc tế được triển khai sớm, phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu thi chứng chỉ bổ sung hồ sơ đi du học và làm việc tại Nhật, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài làm việc và học tập mới phục hồi sau dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: "Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc chờ đợi và hy vọng, trước mắt Suleco EDU cố gắng động viên các em học viên ngành Kaigo và tiếp tục chương trình đào tạo như kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng khi kéo dài thời gian học và thi, chậm xuất cảnh so với dự kiến sẽ khiến các em nản chí bỏ cuộc. Kéo theo đó là uy tín của Suleco EDU với đối tác Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng".
"Việc chờ xuất cảnh kéo dài, Suleco EDU phải đối mặt khó khăn khi gồng gánh thêm chi phí cho thời gian đào tạo quá dài mà không thu thêm học phí từ các em. Các học viên cũng sẽ gặp khó khăn chồng khó khăn vì kéo dài sinh hoạt phí", Giám đốc Suleco EDU cho biết thêm.