Sếp "hớ" nặng vì nhân viên... "ba phải"

Hoài Nam

(Dân trí) - Giao việc, nhân viên gật lấy gật để. Đến hạn, sếp tá hỏa khi nhân viên báo kết quả một cách ghọn ghẽ: "Việc này em không làm được!".

Chị Trần Ngọc Dung, trợ lý giám đốc một công ty về thiết bị giáo dục ở Q.5, (TPHCM) than thở đã gặp rất nhiều vố "hớ" vì nhân viên không đủ khả năng khi được giao việc. Nhưng nhân viên cứ im ỉm nhận việc, không lên tiếng từ chối.  

Mới đây, công ty có dự án viết, thiết kế nội dung giới thiệu sản phẩm mới. Khi được giao, nữ nhân viên gật đầu nhận việc, nhận thời hạn như thật. Đến ngày, cả phòng tá hỏa khi cô báo kết quả một cách ghọn ghẽ: "Việc này em không làm được!" với đủ lý do. 

Sếp hớ nặng vì nhân viên... ba phải - 1

Nhân viên thường chỉ im lặng, chống tay, sếp nói gì cũng "tùy sếp" trong các cuộc họp (Ảnh minh họa)

Giám đốc nổi giận không chỉ vì khả năng của nhân viên mà là trách nhiệm, ý thức khi nhận việc. Biết không làm được nhưng nhân viên vẫn cứ gật, không trao đổi, nêu ý kiến, nhờ hỗ trợ hoặc từ chối.  

Nhân viên đúng sai gì cũng gật, không bày tỏ ý kiến, ít đóng góp... là khó khăn nhiều doanh gặp phải. Đặc biệt là các quản lý người nước ngoài, khi đến Việt Nam làm việc, nhiều người bị "sốc" trước thái độ "ngoan ngoãn" của nhân viên. 

Cấp trên đưa ra ý kiến thế nào, kệ  đúng sai, họ đều gật, hoặc tùy sếp. Nhiều buổi họp trở thành cuộc độc thoại của sếp vì khi hỏi ý kiến, nhân viên cùng nhau im lặng, lắc đầu, không ý kiến. 

Anh Nguyễn Trọng Tân, quản lý một công ty sản xuất giày da xuất khẩu tại TPHCM cho biết, khi có sếp nước ngoài đến làm việc, anh đều phải trao đổi trước với họ về... đặc điểm của nhiều nhân viên Việt. 

Để họ biết, có khi nhân viên "gật" nhưng chưa hẳn họ đã đồng tình, họ nhận việc vì không dám từ chối chứ chắc đã làm được để tránh bị "hớ". Rồi nữa, nhân viên bên ngoài nói nhiều, nói đủ thứ chứ họp hành hay khi cần ý kiến thì... khó mà cạy lời. 

Khó làm việc, hạn chế khả năng cạnh tranh

Anh Trọng Tân bày tỏ, việc nghĩ đằng làm nẻo, ngại ý kiến của nhiều nhân viên Việt ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc cũng như khả năng cạnh tranh. 

Điều này hạn chế sự sáng tạo, đột phá trong công việc. Việc ngại thừa nhận điểm yếu, ít đóng góp ý kiến và không thể hiện được bản thân nên cũng hạn chế khả năng học hỏi của chính cá nhân.

Trong khi, nghề nghiệp hiện nay đòi hỏi về sự sáng tạo, đột phá, làm nên sự khác biệt từ cá nhân rất lớn. 

Sếp hớ nặng vì nhân viên... ba phải - 2

Các nhân thể hiện được vai trò khi mạnh dạn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, ý tưởng của mình (Ảnh minh họa)

"Tâm lý nhân viên "kiểu nào cũng được", thiếu tinh thần xây dựng nên doanh nghiệp cũng rất khó trong việc xây dựng, thay đổi các chính sách, cải cách", anh Tân nói. 

Ngoài ra, theo chị Phan Ngọc Hòa, Phó Giám đốc công ty về thiết bị điện thử ở Q.12 (TPHCM), việc nhân viên ít bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, ngại đóng góp... cũng phần nào làm méo mó môi trường công sở. 

Trong công việc, trong các cuộc họp họ cười "sao cũng được" nhưng trong lòng nghĩ khác. Điều này, dẫn đến tình trạng bàn tán, nói xấu sau lưng hay chửi bới, bức xúc qua mạng xã hội. 

Một nhà giáo dục tại TPHCM bày tò, việc nhân viên "nghe sao biết vậy" xuất phát từ việc áp lực vô hình xung quanh. Ngay từ môi trường học đường từ bé, các em đã quen với việc thầy cô nói sao nghe vậy, về nhà bố mẹ bảo thế nào làm thế. Bày tỏ ý kiến có thể bị xem là láo, hỗn. 

Môi trường vô hình tác động rất mạnh mà không cần ai nói, ai cấm. Ở cơ quan, sếp hỏi "Các đồng chí có ý kiến gì không?". Không ai có ý kiến thì chính điều vô hình này đã điều chỉnh chúng ta, chứ sếp không nói: "Tôi cấm các anh ý kiến".  

Từ thực tế này, cả nhân viên và quản lý cần có những nỗ lực cải thiện. Phía các nhà quản lý cần tạo môi trường cởi mở, khuyến khích và dám lắng nghe nhân viên nói thật, nói thẳng, không để bụng, không trù dập.

Và mỗi nhân viên, cần mạnh dạn thể hiện ý thức, tránh nhiệm của mình trong công việc. Trong đó, chú ý trau dồi kỹ năng giao tiếp, hợp tác để thể quan điểm, bảo vệ chính kiến của mình trên tinh thần văn minh, xây dựng. 

Xuất phát từ yếu tố văn hóa 

Trong lần chia sẻ mới đây về ngôn ngữ tiếng Việt, TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh, ĐH KHXH&NV TPHCM kể, một Giáo sư người Mỹ than thở, người Việt không bày tỏ, không thể hiện lập hiện lập trường của mình trong vấn đề nào đó. Khi đề cập đến cái gì cũng thường trả lời "tùy" hoặc là "sao cũng được". 

Thái độ "ba phải" này làm người nước ngoài rất khó làm việc, không biết chúng ta muốn gì. 

Bà Hạnh cũng trao đổi lại, mỗi dân tộc có một đặc trưng văn hóa riêng. Người Việt từ trong văn hóa đã có những câu "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài","Nhập gia tùy tục" hay là "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".. 

Điều này, xuất phát từ văn hóa nông nghiệp hàng ngàn năm, cuộc sống lệ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, thời tiết, các yếu tố bên ngoài môi trường nên họ không dám không dám nói chắc chắn điều gì.

Vì vậy hình thành đặc tính ăn sâu, chúng ta thường "tùy" hoặc "sao cũng được" khi được hỏi ý kiến.