Sếp cần làm gì với nhân viên mới?
Bạn phải vất vả tìm kiếm, phỏng vấn và thuê được nhân sự phù hợp. Họ có kỹ năng tuyệt vời, nhiều kinh nghiệm và thái độ tốt.
Một khi họ bước vào văn phòng thì xem như mọi việc đã ổn? Không nhanh đến thế. Biết cách làm một công việc nào đó rõ ràng là quan trọng, nhưng có thể tiếp cận công việc với tư duy và quan điểm đúng, phù hợp mới là tất cả.
Nhiều vị sếp cho rằng cuộc đối thoại trong thời gian phỏng vấn là đủ rồi. Các sếp giỏi luôn có vài điều cần nói với nhân viên vào ngày đầu tiên họ nhận nhiệm sở mới. Hãy bảo đảm rằng nhân sự mới có một khởi đầu tuyệt vời và tập trung cho nhiệm vụ.
Miêu tả đầy đủ, thông suốt về cách mà doanh nghiệp tạo nên giá trị
Nhân viên mới cần học cách làm công việc của họ… nhưng đầu tiên họ cần hiểu một cách thấu đáo về tuyên bố giá trị nền tảng và lợi thế cạnh tranh của công ty.
Dù bạn kinh doanh trong lĩnh vực nào, một hoặc hai điều căn bản thực sự là động lực thúc đẩy để tạo nên thành quả. Có thể đó là chất lượng, dịch vụ, nhà cung cấp giá thấp, hoặc là sự kết nối cá nhân mà bạn có được với mỗi khách hàng và tinh thần cộng đồng mà bạn đã dày công tạo nên. Những khía cạnh khác cũng quan trọng, nhưng đối với mọi doanh nghiệp, một hoặc hai điều mấu chốt là tuyệt đối quan trọng.
Bạn cần giải thích để nhân viên mới hiểu được công việc của họ trực tiếp tạo nên giá trị, cũng như trực tiếp giúp doanh nghiệp tạo nên và duy trì lợi thế cạnh tranh như thế nào. Cần có sự kết nối trực tiếp và rõ ràng giữa nỗ lực của nhân viên và mục đích chính của công ty.
Là một nhân viên mới, chắc chắn tôi nên biết mình cần làm gì… nhưng quan trọng hơn, tôi cần biết tại sao tôi nên làm như thế. Luôn luôn nên bắt đầu với lý do “vì sao”, rồi mới đến “cái gì”.
Giúp nhân viên mới hình dung về khách hàng của công ty và cả “khách hàng nội bộ”
Hiểu được nhu cầu của mọi thành phần liên quan – khách hàng mua sản phẩm của công ty và cả những thành phần nội bộ không chỉ giúp họ định nghĩa được công việc cần làm mà còn cả cách thức để thực hiện công việc.
Đừng cho rằng nhân viên mới sẽ tự mình tìm hiểu cách để họ có thể cân bằng giữa việc phục vụ khách hàng, xây dựng tốt quan hệ nội bộ và tạo nên giá trị cho doanh nghiệp. Hãy dành thời gian để giải thích cho họ.
Xác lập ngay mục tiêu và giải thích rằng bạn sẽ bắt đầu phản hồi nhanh chóng
Các doanh nghiệp thành công luôn luôn hành động. Hãy bảo đảm rằng tất cả nhân viên mới sẽ hoàn thành ít nhất một nhiệm vụ liên quan đến công việc của họ vào ngày làm việc đầu tiên.
Như thế, họ sẽ ra về ngày hôm đó với tinh thần là mình đã đạt được thành quả, đã làm được điều gì đó. Suốt một ngày, hoặc thậm chí nhiều ngày chỉ dành cho việc định hướng, sẽ không chỉ nhàm chán mà còn làm cho nhân viên thấy không thỏa mãn trong công việc, và quá trình hòa nhập trở nên khó khăn hơn.
Vì vậy, dĩ nhiên là vẫn nên tập trung vào khâu huấn luyện, nhưng mỗi ngày nên là sự kết hợp giữa huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ với kết quả cụ thể.
Bằng cách nào? Chia các quy trình lớn thành những phần có thể kiểm soát được. Bằng cách đó, nhân viên mới có thể ngay lập tức thấy được vai trò của họ liên hệ trực tiếp đến việc tạo nên giá trị cho công ty. Và bạn có cơ hội lý tưởng để đưa ra phản hồi mang tính xây dựng một cách nhanh chóng. Điều này sẽ giúp nhân viên làm tốt hơn công việc của họ.
Củng cố lý do mà bạn thuê họ
Mọi nhân viên được thuê vì một hoặc hai lý do cụ thể, nhưng thường thì những lý do này “bị lạc mất” trong quá trình phỏng vấn. Trong nhiều trường hợp, bạn đang tìm “một siêu sao để làm chuyện X nào đó”.
Đừng giả định rằng nhân viên mới sẽ tự hiểu lý do mà bạn thuê họ. Hãy nói rõ với họ – không chỉ về vai trò mà họ cần đảm nhận, mà cả lý do vì sao họ lại phù hợp với vai trò đó. Khen ngợi kỹ năng và kinh nghiệm của họ, và cũng nên khen ngợi họ về thái độ và đạo đức nghề nghiệp.
Cuối cùng, đừng để nhân viên mới không thể nhìn thấy được điều gì làm họ khác biệt. Họ có những phẩm chất và sự đóng góp mà những ứng viên khác không có được. Hãy giải thích với họ cách mà những phẩm chất này đã giúp bạn quyết định thuê họ.
Theo Doanh nhân Sài gòn