1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An:

Sẽ thiệt thòi nếu 5.000 giáo viên, cô nuôi không được hỗ trợ chống Covid-19

(Dân trí) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới gần 5.000 giáo viên trường từ và cô nuôi. PV Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch CĐGD Nghệ An, về giải pháp “gỡ khó” cho đối tượng này.

Sẽ thiệt thòi nếu 5.000 giáo viên, cô nuôi không được hỗ trợ chống Covid-19 - 1
Ông Đặng Văn Hải trao quà tới các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn.

Thưa ông, dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, trong đó có ngành giáo dục giáo dục, đặc biệtlà những đơn vị, trường học dân lập, tư thục. Ông có thể cho độc giả Dân trí hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc của hệ thống giáo dục ngoài công lập Nghệ An đang gặp phải?

- Tỉnh Nghệ An có 82 trường học ngoài công lập từ bậc mầm non đến bậc THPT với gần 2.488 cán bộ nhà giáo, nhân viên làm việc. Nguồn thu chủ yếu của các trường này là từ học phí.

Thời gian qua, trường học trên toàn tỉnh tạm nghỉ học do dịch Covid-19, đồng nghĩa với việc các trường ngoài công lập không có nguồn thu để chi trả lương lương và đóng bảo hiểm cho người lao động.

Bên cạnh đó, một số trường đang vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hiện cũng không có nguồn để trả lãi ngân hàng. Nhiều cơ sở, trường học loay hoay không biết làm cách nào để đảm bảo quyền lợi chongười lao động trong thời gian này. Nếu chấm dứt hợp đồng thì sau này tuyển dụng vất vả.

 Vậy cán bộ, giáo viên, người lao động ngoài biên chế chịu tác động, ảnh hưởng như thế nào trong thời gian qua?

- Khảo sát của công đoàn ngành cho thấy, dù chưa có trường tư thục nào phải đóng cửa nhưng đã có 22 lao động bị chấm dứt việc làm. Từ tháng 2 đến tháng 4/2020, có hơn 2.200 cán bộ, giáo viên cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được nhận lương và nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Riêng các trường THPT ngoài công lập vẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dạy học trực tuyến bình thường. Tuy nhiên do học sinh không đến trường, nên các trường không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên.

Ngoài ra, theo thống kê còn có gần 3.000 cô nuôi, nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú và 326 giáo viên giảng dạy thỉnh giảng ngoại ngữ - tin học cũng bị ảnh hưởng.

Sẽ thiệt thòi nếu 5.000 giáo viên, cô nuôi không được hỗ trợ chống Covid-19 - 2

Trong thời gian này, giáo viên các trường THPT ngoài công lập vẫn "lên lớp" giảng bài trực tuyến trong khi các trường không có nguồn thu từ học phí để chi trả lương hay đóng bảo hiểm cho giáo viên. 

Vậy Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho những đối lượng lao động này, thưa ông?

- Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã có báo cáo gửi Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn lao động Nghệ An, phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng đưa danh sách cán bộ, nhà giáo, người lao động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cô nuôi trường mầm non, tiểu học bán trú vào diện được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Công đoàn giáo dục Nghệ An cũng kiến nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh giãn nộp bảo hiểm và không tính lãi suất chậm nộp trong các tháng phải nghỉ việc do dịch, trước mắt là các tháng 2, 3, 4, 5, 6/2020 và có ý kiến với Chính phủ miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian nghỉ do dịch.

Đồng thời đề nghị Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, nhà giáo, người lao động ngoài công lập trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để động viên, chia sẻ các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.

Như ông phân tích, điều này có nghĩa là số lao động trên chưa đáp ứng các điều kiện để được đưa vào diện đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 42/QĐ-CP/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19?

Với quan điểm cần phải đề xuất, kiến nghị trước để không bỏ sót đối tượng trong ngành, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ dự thảo quyết định cụ thể hóa Nghị quyết 42 của Chính phủ.  Nghị quyết số 42 đã đưa ra 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa cụ thể hóa về điều kiện của số lao động mang tính chất đặc thù trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Đơn cử như khi xảy ra dịch Covid-19, các trường học phải tạm dừng hoạt động nhưng các giáo viên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình và tham gia giảng dạy trực tuyến đảm bảo khung chương trình theo quy định của Sở và ngành giáo dục. Có nghĩa là họ không được tạm hoãn hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo Nghị quyết 42, đối tượng được nhận hỗ trợ phải là “Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương”.

Sẽ thiệt thòi nếu 5.000 giáo viên, cô nuôi không được hỗ trợ chống Covid-19 - 3
Thời gian vừa qua Sở GD&ĐT Nghệ An cùng Công đoàn Giáo dục Nghệ An có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ các trường trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trên thực tế, số lao động ngoài biên chế ở các trường học đã nghỉ việc từ ngày 7/2, trong khi đó, Nghị quyết 42 quy định “thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4, không quá 3 tháng.

Trong khi đó, số giáo viên này theo hợp đồng lao động ký kết với các nhà trường từ đầu năm học hầu hết sẽ hết thời hạn HĐLĐ vào ngày 31/5, tức họ chỉ còn 2 tháng làm việc theo hợp đồng. Như vậy cũng sẽ rất thiệt thòi cho người lao động.

Vậy đối với đội ngũ cô nuôi và giáo viên ngoại ngữ - tin học hưởng lương từ nguồn thu thỏa thuận với phụ huynh thì Công đoàn Giáo dục Nghệ An có đề xuất gì, thưa ông?

Đối với đội ngũ cô nuôi, nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú và giáo viên hợp đồng thỉnh giảng ngoại ngữ - tin học trong các trường tiểu học có tổ chức học 2 buổi/ngày thì phần lớn thuộc diện lao động hợp đồng thời vụ hoặc hợp đồng theo tiết.

Nhiều người trong số họ sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy họ có được tính là lao động tự do hay không? Đối tượng này cũng chưa được quy định rõ ràng trong Nghị quyết 42.

Là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong ngành giáo dục, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cụ thể hóa điều kiện, tiêu chuẩn đối với đội ngũ lao động đặc thù này để xem xét, tháo gỡ khó khăn, tránh bỏ sót trong quá trình triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Một tín hiệu khả quan là Công đoàn GD Việt Nam và LĐLĐ Nghệ An đã đồng ý với kiến nghị của Công đoàn Giáo dục Nghệ An, đề xuất Chính phủ đưa lao động trong ngoài biên chế trong các trường học vào đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lam thực hiện