Nghệ An: Tìm cách “gỡ khó” về lương, BHXH cho gần 5.000 giáo viên, cô nuôi
(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến gần 5.000 lao động trường ngoài công lập, nhân viên nấu ăn trường học mất việc, mất thu nhập. Công đoàn giáo dục Nghệ An đang kiến nghị nhằm “gỡ khó” cho số lao động này.
Vẫn "đứng lớp" dù... không lương
Sau thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19, thời gian gần đây, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy (GV Trường THPT Đinh Bạt Tụy, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bắt đầu các buổi lên lớp giảng bài.
Điều khác duy nhất là cô Thuý dạy học trực tuyến qua máy vi tính và học trò học ở nhà tiếp thu bài giảng.
Không chỉ cô Thúy mà tất cả giáo viên trong trường vẫn phải hoạt động chuyên môn mình thường, thực hiện nhiệm vụ dạy học, ôn tập cho học sinh với nhiều hình thức, đáp ứng khung chương trình môn học.
Được biết, Trường THPT Đinh Bạt Tụy là trường ngoài công lập, nguồn thu chủ yếu từ học phí của học sinh. Năm học này, nhà trường có hơn 400 học sinh.
Tuy nhiên với mức lương 32.000 đồng/tiết chỉ giúp thu nhập của giáo viên cao nhất đạt từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng, các giáo viên còn lại đạt từ 900.000 hoặc 1 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, học sinh nghỉ học nên nhà trường không thể thu được học phí. Do đó nhà trường không có kinh phí để chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên.
Tương tự, Trường THPT Ngô Trí Hòa (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng không thể chi trả lương và đang nợ đóng BHXH cho 41 cán bộ, giáo viên. Dù vậy, các cán bộ, giáo viên vẫn đang nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo việc dạy và học.
Nghe đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, cô Vân khấp khởi hy vọng sẽ được hỗ trợ một phần để trang trải cuộc sống.
Trước đây, cô Hoàng Thị Vân (trú xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) dạy ở một nhóm trẻ tư nhân, không được đóng BHXH. Cuối năm 2019, cô Vân xin vào Trường Mầm non Minh Anh làm việc.
Chưa kịp vui mừng vì ở đây ngoài chế độ lương thưởng, cô Vân được tham gia BHXH thì dịch Covid-19 xảy ra, trường tạm dừng hoạt động.
Mới mở được thời gian ngắn nên chủ trường cũng không thể hỗ trợ được gì cho người lao động, cô Vân cũng phải nghỉ việc không lương. Để xoay xở, cô Vân bán hàng online kiếm thêm thu nhập.
Đề xuất "gỡ khó" cho lao động trường tư
Theo ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 82 trường học ngoài công lập từ bậc mầm non đến bậc THPT với gần 2.500 cán bộ nhà giáo, nhân viên làm việc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Thống kê của Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cho thấy, từ tháng 1 - 4/2020, có hơn 2.200 người lao động đang làm việc tại các trường ngoài công lập chưa được trả lương.
Ngoài ra, có gần 3.000 nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, tiểu học bán trú công lập hưởng lương từ nguồn thu thỏa thuận với phụ huynh; 326 giáo viên ngoại ngữ và tin học ở các trường tiểu học công lập hưởng lương từ nguồn thu học phí buổi 2 bị mất việc làm do dịch Covid-19.
“Hiện các trường THPT ngoài công lập vẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dạy học trực tuyến bình thường, không thuộc diện tạm hoãn hợp đồng hay nghỉ việc không lương.
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành cũng đề xuất Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tạm lùi thời gian nộp BHXH, đồng thời không tính lãi nộp chậm trong thời gian từ tháng 2 - 6/2020 cho gần 5.000 giáo viên, cô nuôi.
Nhân viên nấu ăn và giáo viên ngoại ngữ, tin học trong trường tiểu học công lập phần lớn là hợp đồng thời vụ ngắn hạn, hưởng lương dựa trên thỏa thuận với phụ huynh. Số lao động này nghỉ việc từ ngày 7/2 tới nay. Trên thực tế, họ sẽ chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31/5, tức thời gian kết thúc năm học.
Như vậy sẽ khó đảm bảo điều kiện thời gian quy định tại điểm 1 (thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không lương từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ 1/4 đến hết 30/6, thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không lương từ 1/4 đến 31/5) và điểm 4 (thời gian còn lại của hợp đồng lao động lớn hơn thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc thời gian nghỉ việc không hưởng lương), Điều 5 về "điều kiện hỗ trợ" trong dự thảo Quy định về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19", ông Đặng Văn Hải cho biết.
Vị Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tài chính để tháo gỡ khó khăn trên.
Đồng thời, Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã gửi báo cáo tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất việc đưa các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cán bộ nhà giáo người lao động trong các đơn vị, nhân viên nấu ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bán trú, giáo viên ngoại ngữ và tin học trả lương từ nguồn thu học phí buổi 2 trong các trường tiểu học vào diện được hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Hoàng Lam