Sau tự phát ngừng việc, hơn 1.400 công nhân được tăng lương

Đức Văn

(Dân trí) - Để đòi hỏi thêm chế độ quyền lợi, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Phúc Mậu (đóng tại xã Phú Lương, huyện Đồng Hưng, tỉnh Thái Bình), đã tự phát ngừng việc.

Trước đó, từ ngày 10/2, tại cả trụ sở xưởng sản xuất chính và chi nhánh của Công ty TNHH Phúc Mậu (chuyên sản xuất da giày) đều đã xảy ra tình trạng công nhân, người lao động tự phát ngừng việc để đòi hỏi thêm chế độ, quyền lợi.

Theo báo cáo của Giám đốc Công ty TNHH Phúc Mậu về tình hình sử dụng lao động tại công ty trong ngày 12/2, chỉ có 300 công nhân vẫn đi làm bình thường, 23 người nghỉ thai sản, 105 người nghỉ việc riêng và 622 công nhân, lao động ngừng việc tạm thời. Lý do công nhân, người lao động ngừng việc tạm thời vì muốn thương thảo lại về mức lương với công ty.

Sau tự phát ngừng việc, hơn 1.400 công nhân được tăng lương - 1

Công nhân, người lao động của Công ty TNHH Phúc Mậu ngừng việc tạm thời vì muốn thương thảo lại về mức lương.

Còn theo như biên bản làm việc của cơ quan chức năng, vào khoảng 12h30 ngày 11/2, tại chi nhánh Công ty TNHH Phúc Mậu cơ sở ở KCN Trà Lý (xã Tây Lương, huyện Tiền Hải) đã có khoảng 200 công nhân tự phát ngừng việc, tập trung trước cổng công ty đòi hỏi quyền lợi.

Đa số công nhân tham gia ngừng việc là để yêu cầu công ty tăng thêm 100 nghìn đồng vào lương cơ bản, tăng thêm 50.000 đồng tiền xăng xe, tăng thêm tiền thâm niên cho công nhân có thâm niên. Ngoài ra, công nhân còn kiến nghị đội ngũ cán bộ, quản lý của công ty không được có thái độ hống hách với công nhân, không được chửi mắng hay xúc phạm công nhân thậm tệ…

Sau tự phát ngừng việc, hơn 1.400 công nhân được tăng lương - 2

Báo cáo của Công ty TNHH Phúc Mậu gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình.

Sau buổi làm việc giữa các bên, Công ty TNHH Phúc Mậu đã đưa ra một số thay đổi, điều chỉnh về lương, phụ cấp cho công nhân, lao động tính từ tháng 2/2022.

Cụ thể, mức lương cơ bản tăng 200 nghìn đồng/người/tháng so với mức lương cơ bản của năm 2021. Được biết, mức lương cơ bản năm 2021 được công ty áp dụng là 4 triệu đồng/người/tháng.

Điều chỉnh tiền ăn tối tăng 2.000 đồng/người/ngày (từ 8.000 đồng/người/ngày lên 10.000 đồng/người/ngày). Tiền trợ cấp ăn tối chỉ áp dụng với những công nhân ở lại tăng ca sau 19h hàng ngày.

Điều chỉnh thời gian nghỉ giữa giờ (chỉ áp dụng đối với công nhân ở lại tăng ca sau 19h hàng ngày) sẽ được nghỉ giữa giờ là 15 phút/ca. Thời gian nghỉ giữa giờ vẫn được tính lương đầy đủ.

Tăng thêm 3.000 đồng tiền ăn trưa/người/ngày (từ 15.000 đồng/người/ngày lên mức 18.000 đồng/người/ngày). Tăng thêm 50.000 đồng tiền trợ cấp độc hại/người/tháng. Tăng thêm 50.000 đồng tiền trợ cấp xăng xe/người/tháng (từ 100 nghìn đồng/người/tháng lên mức 150 nghìn đồng/người/tháng).

Đối với khoản trợ cấp thâm niên, trợ cấp con nhỏ, nếu công nhân nghỉ phép năm thì tiền trợ cấp thâm niên, trợ cấp con nhỏ sẽ không bị trừ lương.

Ông Nguyễn Văn Lăng - Giám đốc Công ty TNHH Da giày Phúc Mậu - cho biết, các công nhân đã đồng ý với biên bản điều chỉnh và đã đi làm trở lại. Bên cạnh mức tăng 200.000 đồng/người/tháng vào mức lương cơ bản so với mức lương năm 2021 đã công bố trong biên bản làm việc trước đó, công ty quyết định tăng thêm 100 nghìn đồng/người/tháng. Như vậy, tính từ tháng 2/2022, mức lương cơ bản của công ty sẽ tăng thêm 300 nghìn đồng/người/tháng so với mức lương cơ bản của năm 2021.

Tính ra, cộng mức lương cơ bản tăng và tăng một số phụ cấp, trợ cấp khác, từ tháng 2/2022, trung bình thu nhập của công nhân sẽ tăng khoảng 500 nghìn đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Da giày Phúc Mậu được thành lập từ năm 2018, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm da giày. Trụ sở chính của công ty đặt tại xã Đông Phương (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), cơ sở 2 đặt tại KCN Trà Lý (xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Theo số liệu cung cấp bởi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, tại trụ sở chính của công ty hiện có trên 1.000 công nhân, tại cơ sở 2 có khoảng hơn 400 công nhân.