1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sau 6 năm, hơn 10 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

“Tính nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ giúp người lao động khi tham gia được nhận trợ cấp thất nghiệp mà còn được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế và học nghề”.

TP Hà Nội đã triển khai thủ tục đăng ký BHTN một cửa với nhiều kết quả khả quan. (Ảnh: TL)
TP Hà Nội đã triển khai thủ tục đăng ký BHTN một cửa với nhiều kết quả khả quan. (Ảnh: TL)

Ông Lê Quang Trung, Cục Phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), nói về công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời gian qua.

Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện BHTN hiện nay?

Kể từ khi Luật việc làm có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về BHTN, hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN.

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực. Việc chi trả BHNT được thực hiện theo phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” cho người lao động.

Theo BHXH VN, năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia BHNT. Qua 9 tháng đầu năm 2015, số người tham gia BHNT đạt hơn 10 triệu người. Việc triển khai xem xét giải quyết chế độ BHTN đang được giao cho các Trung tâm dịch vụ việc làm (TT DVVL) thuộc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, các cơ quan BHXH cũng là một đối tác cùng giải quyết các thủ tục liên quan.

Khó khăn nhất trong giải quyết chế độ BHTN hiện là gì, thưa ông?

Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách nhân văn. Tuy nhiên, nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động vẫn chưa hiểu rõ. Đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa hoặc nhiều đối tượng ở các khu công nghiệp ít tiếp xúc thông tin.

Trong đó, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách BHTN hiện nay là nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Xin đơn cử việc người lao động không trung thực khi khai báo tình trạng việc làm, doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, một số doanh nghiệp chậm đóng và nợ đọng BHTN nên không chốt được sổ BHXH cho người lao động…

Theo báo cáo của BHXH VN, hàng ngàn trường hợp bị tạm dừng hưởng TCTN do « quên » thông báo với cơ quan lao động về tình trạng việc làm. Nguyên nhân thực tế là gì, thưa ông ?

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 30 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP: Hàng tháng người lao động có nghĩa vụ thông báo với TT DVVL về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN theo quy định.

Việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm của người để TT DVVL nắm được tình hình lao động trên địa bàn, thực hiện tư vấn việc làm hoặc học nghề cho người lao động. Qua đó giúp người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người lao động sau một thời gian đã có việc làm và «quên » tới khai báo với cơ quan chức năng. Chính vì vậy theo quy định, họ sẽ bi dừng hưởng TCTN. Qua đây cho thấy ý thức và trách nhiệm của một nhóm lao động với công tác BHTN còn chưa cao.

Xin cảm ơn ông

Phan Minh (thực hiện)

“Theo lộ trình tới năm 2020, sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH vào năm 2020. Chúng ta đang sử dụng sổ BHXH là căn cứ để theo dõi việc đóng, hưởng BHTN. Ngành LĐ-TB&XH và BHXH VN sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu để xây dựng cơ sở dữ liệu về BHTN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi dùng thẻ BHXH » - ông Lê Quang Trung nói.