1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Có nên để cơ quan Bảo hiểm xã hội kiện doanh nghiệp nợ BHXH?

(Dân trí) - Dù có hiệu lực hơn 1 năm, nhưng quy định tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chưa thực hiện được 1 vụ nào. Để giải quyết khoảng trống này, nhiều ý kiến cho rằng nên để cơ quan Bảo hiểm xã hội có thêm quyền khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Có nên để cơ quan Bảo hiểm xã hội kiện doanh nghiệp nợ BHXH? - 1

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết: Trước thời điểm Luật BHXH có hiệu lực (1/1/2016), việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện. Sau ngày 1/1/2016, Luật BHXH đã quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH.

“Đồng thời, Luật BHXH cũng quy định cơ quan bảo hiểm xã hội có thêm quyền thanh tra thu và xử phạt doanh nghiệp nợ, đóng BHXH” - ông Đào Việt Ánh nói.

Quy định này nhằm tránh sự chồng chéo trong việc cơ quan bảo hiểm xã hội vừa có quyền thanh tra thu và có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm có hiệu lực của Luật BHXH, tổ chức công đoàn chưa thực hiện được 1 vụ kiện doanh nghiệp nợ BHXH nào theo đúng quy định của Luật BHXH.

Theo BHXH VN, tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Một trong những nguyên nhân là sự chưa đồng bộ giữa các quy định pháp luật.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, ngay sau khi Luật BHXH có hiệu lực, hệ thống công đoàn sau đã thực hiện nghiêm túc quy định tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, toà án các cấp đã trả lại hồ sơ 17 vụ khởi kiện do công đoàn chuyển sang và công đoàn chưa thực hiện được 1 vụ kiện nào theo quy định Luật BHXH.

“Lý do của việc trả lại hồ sơ là các vụ kiện không thuộc thẩm quyền toàn án; đây là tranh chấp lao động tập thể nhưng chưa qua cấp giải quyết của chủ tịch UBND quận, huyện; chưa có sự uỷ quyền của tập thể người lao động tới tổ chức công đoàn” - ông Mai Đức Chính cho biết.

Trong khi đó, việc để tổ chức công đoàn cơ sở trực tiếp khởi kiện và người lao động uỷ quyền tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH còn gặp nhiều bất cập về thủ tục, thời gian và tính thực tế trong triển khai.

Ông Mai Đức Chính đề xuất việc sửa đổi quy định cho phép tổ chức công đoàn cấp trên được khởi kiện thay cho quy định trước đây chỉ nhắc tới cụm từ công đoàn.

Bên cạnh giải pháp của ngành công đoàn, ông Đào Việt Ánh cũng đưa ra kiến nghị nhằm hạn chế khoảng trống về pháp luật khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi của hàng trăm ngàn lao động.

“Theo đó, ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH VN kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cơ quan BHXH cũng có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và lợi ích của cả xã hội...” - ông Đào Việt Anh nói.

Đề xuất này dựa trên thực tế BHXH VN với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH. Trên cơ sơ đó, BHXH VN cũng có trách nhiệm thực hiện việc khởi kiện để đảm bảo nhiệm vụ được giao.

“Trước ngày 1/1/2016, BHXH VN đã thực hiện việc khởi kiện 8.840 vụ tương ứng với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỷ đồng; tổng số vụ Tòa án đã xét xử: 3.986 vụ, tương ứng số tiền thu về quỹ BHXH gần 980 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 3.500 vụ, qua đó thu về hơn 800 tỷ đồng tiền nợ BHXH” - ông Đào Việt Ánh nói.

Đánh giá về đề xuất của BHXH VN, ông Mai Đức Chính cho rằng đây là một ý kiến cần được xem xét.

“Tôi nhận thấy cơ quan bảo hiệm xã hội đang được giao 2 chức năng: Quản lý nhà nước (thanh tra thu) đồng thời có thêm chức năng tương tự của đơn vị sự nghiệp công lập (quản lý ngân sách lớn). Nên đặt ở từng vị trí khác nhau. Do đó, đứng ở góc độ sự nghiệp được Nhà nước giao quản lý khoản tiền lớn, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH” - ông Mai Đức Chính cho biết.

Đồng thời, vị Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cũng lưu ý, muốn thực hiện theo hướng công đoàn cấp trên và BHXH VN cùng khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, các cơ quan lập pháp cần chỉnh sửa nhiều quy định trong các luật liên quan như Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự…

Tuy nhiên, quan điểm này cũng gặp ý kiến phản biện. Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ý kiến trên là một đề xuất nhằm giải quyết tình trạng ứ đọng về khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH nhưng có điểm khó về tính pháp lý.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Khi xây dựng Luật BHXH 2014, nhóm nghiên cứ cũng tính tới điều này. Nhưng khi nhà nước đã giao chức năng thanh tra cho BHXH VN là có thêm 1 phần chức năng quản lý nhà nước, do đó không thể đứng ra khởi kiện ra toà được”.

Giữ quan điểm chỉ nên giao cho tổ chức công đoàn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh tới vai trò thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội.

“Ngoài hệ thống thanh tra thu BHXH gồm đội ngũ thanh tra của ngành LĐ-TB&XH và BXHH VN đang có, nếu chúng ta có thêm vai trò khởi kiện của công đoàn thì sẽ tăng cường thêm sự giám sát tính nghiêm minh trong thực hiện BXHH” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

97 % cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm.

Theo ông Mai Đức Chính, tỉ lệ cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm chiếm đa số tại các đơn vị, doanh nghiệp. Họ cũng chính là người lao động, được người sử dụng lao động ký hợp đồng và chủ yếu dành thời gian làm chuyên môn. Do đó, việc khởi kiện hoặc uỷ quyền cho công đoàn khởi kiện chủ sử dụng lao động đang nợ BHXH là việc không đơn giản của người lao động khi có nhu cầu làm việc.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Truy thu 39 tỉ đồng chậm, chưa đóng BHXH cho hơn 75.000 người lao động

Sau gần 1 năm thực hiện chức năng thanh tra việc nộp BHXH, ngành bảo hiểm xã hội đã thanh tra tại 1.322 đơn vị và doanh nghiệp, kiến nghị truy thu từ các doanh nghiệp 39 tỉ đồng chưa đóng hoặc đóng thiếu BHXH của người lao động.

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, từ ngày 1/6/2016, ngành BHXH đã thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH theo quy định của Nghị định số 21/2016/NĐ-CP. Hệ thống BHXH đã tổ chức triển khai thanh tra chuyên ngành tại 1.322 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, BHXH VN thanh tra 51 đơn vị và doanh nghiệp; cơ quan BHXH tỉnh, thành thanh tra 1.271 đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, các đoàn thanh tra đã phát hiện, kiến nghị truy thu: 26,4 tỉ đồng tiền đóng BHXH của 45.018 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian;12,6 tỉ đồng tiền đóng BHXH của 30.522 lao động đóng thiếu mức quy định. Các đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp đóng số tiền 339,3 tỉ đồng BHXH chậm đóng, nợ đọng. Theo BHXH VN, việc triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đã góp phần thu hồi nợ BHXH, giúp hàng trăm ngàn lao động được hưởng các chế độ BHXH, đảm bảo hưởng đầy đủ quyền lợi như: Chế độ khám, chữa bệnh, thai sản, tai nạn, thanh toán chế độ khi nghỉ việc.

H.M

Tính mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau 4 năm làm việc

Bạn Nguyễn Hoàng Tuấn (Trảng Bàng, Đồng Nai) hỏi: Tôi làm việc được 4 năm tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Sau 2 tháng nữa, tôi có việc gia đình ở TP HCM nên sẽ xin nghỉ việc. Vậy, xin hỏi mức hưởng, thời gian hưởng và thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao?

Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời: Theo quy định tại Điều 50 Luật việc làm, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng; Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.

V.K