Bảo hiểm xã hội bàn giao hơn 1 triệu sổ BHXH cho người lao động

(Dân trí) - “Tới nay, hệ thống cơ quan bảo hiểm đã bàn giao được khoảng 1 triệu sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, đạt khoảng 8,3%. Kết quả này tăng 30% so với thời điểm 30/4/2017”.


BHXH VN tổ chức bàn giao sổ BHXH cho người lao động ở Hải Phòng

BHXH VN tổ chức bàn giao sổ BHXH cho người lao động ở Hải Phòng

Theo ông Chu Minh Tộ - Trưởng Ban Sổ thẻ (BHXH VN), số liệu 1 triệu sổ BHXH nêu trên thuộc hơn 12 triệu sổ BHXH phải bàn giao (chưa gồm lực lượng vũ trang) theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, người sử dụng lao động phải bàn giao sổ BHXH cho người lao động giữ.

Quy định này nhằm đảm bảo sự minh bạch trong việc đóng BHXH, hạn chế tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đang diễn ra nhức nhối.

Loại bỏ nhiều quy định rườm rà

Khảo sát của BHXH VN cho thấy, tới 20/5, một số tỉnh, thành có số lượng sổ BHXH bàn giao lớn như: BHXH tỉnh Đồng Nai đã bàn giao 305.633 sổ đạt 42,4% kế hoạch, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao 69.517 sổ đạt 40,1%; BHXH TP HCM bàn giao 62.030 sổ; BHXH thành phố Hải Phòng bàn giao 74.623 sổ; BHXH tỉnh Thái Bình bàn giao 30.984 sổ.

Trong việc triển khai, đại diện ban Sổ thẻ cho rằng: Sổ BHXH cấp cho người lao động trước năm 2009 chưa được rà soát, cập nhật quản lý trên phần mềm, thông tin trên sổ BHXH chưa đầy đủ, chưa chính xác nên cần rà soát, đối chiếu, bổ sung cho đầy đủ, cập nhật vào phần mềm để quản lý.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp sổ BHXH, BHXH VN đã ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam.

Theo đó, BHXH VN đã bỏ quy định phải nộp lại sổ BHXH hỏng đối với trường hợp người lao động đề nghị cấp lại do hỏng để giảm phiền hà cho người lao động

Đồng thời, BHXH VN đã cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH.

“Đối với trường hợp hồ sơ giấy: Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu; Trường hợp là đảng viên thì cung cấp thêm lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng” - ông Chu Minh Tộ nói.

Giải thích thêm quy định này, ông Chu Minh Tộ cho biết: Mục đích nhằm đảm bảo khớp đúng thông tin trên sổ BHXH và giấy tờ tùy thân của người lao động, tránh phiền hà cho người lao động khi đi khám chữa bệnh.

Trường hợp người lao động đi nước ngoài về

Trường hợp đối tượng là người được cử đi lao động hợp tác sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Thông t­ư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, BHXH VN đã có hướng dẫn riêng.

Theo đó, người lao động cần nộp bản chính Quyết định cử đi lao động hợp tác nước ngoài hoặc bản sao Quyết định trong tr­ường hợp ngư­ời lao động đư­ợc cử đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng một Quyết định chung cho nhiều ng­ười.

Nhằm rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, tạo thuận lợi cho người lao động, BHXH VN đã điều chỉnh thời hạn từ 7 ngày còn 5 ngày. Đồng thời, việc cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ…sẽ không được quá 10 ngày (quy định cũ là 15 ngày). Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: điều chỉnh thời hạn từ 10 ngày còn 5 ngày; Xác nhận sổ BHXH: điều chỉnh thời hạn từ 7 ngày còn 5 ngày.

Trường hợp không còn bản chính Quyết định cử đi công tác, làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì được thay thế bằng bản sao Quyết định có xác nhận của Bộ chủ quản đối với người lao động làm việc ở nước ngoài hoặc xác nhận của Sở LĐ-TB&XH địa phương đối với người lao động do địa phương cử đi.

Bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” của Cục Hợp tác quốc tế về lao động (nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước) cấp.

Trư­ờng hợp không còn bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả”, BHXH VN hướng dẫn người lao động phải có Giấy xác nhận về thời gian đi hợp tác lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của Cục Quản lý lao động ngoài n­ước trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động.

“Thủ tục trên nhằm tạo điều kiện cho người lao động đối với trường hợp không còn bản chính quyết định thì có thể xin giấy xác nhận” - ông Chu Minh Tộ nói.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Nhiều băn khoăn về quy định lao động nước ngoài đóng BHXH

Tại Hội nghị lấy ý kiến về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 26-5. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về cáhc tính đóng BHXH ra sao.

Theo lộ trình, tháng 1/2018, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đủ 1 tháng trở lên, khi có các giấy tờ như giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề đều thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc. Theo đó, nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về cơ sở tính mức đóng BHXH được mở rộng bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Cùng với đó, mức đóng BHXH, BHYT tăng khiến chi phí tham gia hai loại hình bảo hiểm này đối với người lao động và cả người sử dụng lao động sẽ thêm gánh nặng. Doanh nghiệp kiến nghị, đối với lao động đã tới tuổi hưu và người đã tham gia bảo hiểm ở nước sở tại rồi thì không nên bắt buộc tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam. Theo bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động - tiền lương - Bộ LĐ-TB&XH, các ý kiến của doanh nghiệp sử dụng LĐ người nước ngoài có cơ sở. Theo đó, cần phải xem xét, đánh giá thấu đáo xem người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài có nhu cầu này hay không. Bên cạnh đó, cần đánh giá mức đóng BHXH tăng ảnh hưởng như thế nào đến chi phí doanh nghiệp.

P.Đ

Lao động trên 60 tuổi có được tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Ông Lê Văn Bảo (Gia Lâm, Hà Nội), hỏi: Công ty của ông có một số lao động đã ngoài 60 tuổi thì có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động theo quy định nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, ông Bảo nếu giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định nêu trên mà không thuộc đối tượng đang hưởng lương hưu hoặc giúp việc gia đình thì vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

P.N