Sang Đức học nghề miễn phí, người Việt còn được trả hơn 30 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Khi học nghề tại Đức, nhiều lao động Việt vẫn kiếm được 23-33 triệu đồng/tháng trong năm đầu tiên. Khi đã có bằng nghề, người lao động có thể có thu nhập lên đến 75 triệu đồng/tháng.
Làm đúng 8 tiếng/ngày
Đến Đức theo diện du học nghề, Nguyễn Duy Nam (SN 2000) cho hay mỗi tháng, anh có thể kiếm được 750 euro (hơn 20 triệu đồng) sau thuế, từ việc học nghề nhân viên khách sạn ở TP Nuremberg.
Nam chia sẻ rằng, anh đến Đức từ 2 năm trước, với hi vọng sẽ tìm được một công việc có thu nhập ổn định, mở ra cơ hội và hướng đi mới cho bản thân.
"Làm việc ở Đức rất thoải mái, cứ làm đúng 8 tiếng/ngày thì tan ca thôi. Công việc cũng không quá vất vả. Nếu làm ca tối ở các quán bar hoặc nhà hàng thì có thể nhận được thêm tiền boa khoảng 100 euro/tháng (khoảng 2,6 triệu đồng)", Nam nói.
Mức thu nhập này giúp Nam chi trả cho các khoản phí sinh hoạt tại Đức và dư được một khoản tiền tiết kiệm.
"Thời gian đầu mới sang Đức, điều khiến tôi sốc đầu tiên chính là thời tiết giá lạnh. Ngoài ra, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Mặc dù đã học tiếng Đức từ trước, nhưng tôi vẫn bị lên nhầm tàu và phản ứng chậm trong công việc. Để giao tiếp với người bản địa thì cần một thời gian dài làm quen", Nam cho biết.
Tương tự, anh Ngô Văn Hùng (SN 2004) cũng vừa đến Đức vào tháng 11/2023 theo diện du học nghề. Hùng đang học nghề bartender (nhân viên pha chế) tại một nhà hàng và bar tại TP Erlangen, với thu nhập sau thuế là 750 euro.
"Vì chính sách định cư của Đức khá tốt cho người nước ngoài nên tôi chọn nơi này là nơi để làm việc. Công việc tại đây diễn ra vô cùng thuận lợi, sếp và đồng nghiệp luôn quan tâm, hỗ trợ tôi", Hùng bộc bạch.
Theo Hùng, sau khi tốt nghiệp chương trình học nghề kéo dài khoảng 3 năm, anh sẽ có cơ hội làm nhân viên chính thức và được nhận mức lương cao gấp nhiều lần.
Rộng cửa sang Đức
Theo ThS. Nguyễn Hoàng Tiến, Giám đốc phát triển Giáo dục của Clevermann, Đức là quốc gia có dân số già hóa nhanh và từ nay đến năm 2030 dự kiến thiếu hơn 5 triệu người lao động.
Vì thế, quốc gia này đang có những chính sách mở, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề ở Việt Nam đến Đức làm việc và định cư. Trong đó, có thể kể đến các chính sách như miễn 100% học phí; đảm bảo 100% cơ hội định cư và bảo lãnh người thân; vừa học vừa làm có lương ngay từ tháng đầu tiên nhập cảnh,…
"Chi phí để qua Đức hiện đang thấp hơn so với những nước khác. Ngoài ra, người từ đủ 18 tuổi và tốt nghiệp THPT là đã có thể tham gia chương trình này. Đây là hướng đi ngày càng được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, lựa chọn", bà Tiến chia sẻ.
Hằng tháng, đơn vị của bà Tiến tiếp nhận 40-50 hồ sơ du học nghề đã có đầy đủ giấy tờ và chứng chỉ tiếng Đức, với tỷ lệ đậu phỏng vấn với doanh nghiệp là 70% và tỷ lệ có visa thành công là 100%.
Đối tượng ứng viên là nhóm từ 18 đến 35 tuổi, làm việc ở các lĩnh vực như sức khỏe, dịch vụ, kỹ thuật - công nghệ,…
Trong 3 năm du học nghề, mức lương của người lao động sẽ tăng lần lượt theo mỗi năm từ 23 triệu lên 26 triệu, 28 triệu đồng đối với một số ngành dịch vụ; từ 28 triệu lên 31 triệu, 33 triệu đồng đối với nhóm ngành sức khỏe.
"Sau khi có bằng nghề của Cộng hòa Liên Bang Đức, người lao động còn có thu nhập lên đến 60 triệu đồng/tháng đối với một số ngành dịch vụ và hơn 75 triệu đồng đối với nhóm ngành sức khỏe. Ứng viên nếu đi theo diện du học nghề, phải kiên trì học tập, làm việc 3 năm rồi lấy bằng nghề thì mới có thu nhập cao và ổn định", bà Tiến nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho hay, người lao động cần chuẩn bị vững chắc nền tảng tiếng Đức trước khi xuất cảnh.
"Không nên có suy nghĩ qua Đức xong học bổ sung tiếng sau vì chi phí học ngôn ngữ tại Đức khá cao. Ngoài ra, ứng viên còn gặp những tình huống rủi ro như bị ép lương, hủy hợp đồng đào tạo vì không đủ trình độ hoặc bị lừa đảo bởi các tổ chức giả mạo", vị này cho hay.
Tháng 11/2023, Bộ Nội vụ Đức cho hay quốc gia này vẫn còn thiếu 1,8 triệu việc làm cần được lấp đầy. Trong đó, Viện Kinh tế Đức dự đoán ngành năng lượng tái tạo sẽ thiếu hụt 300.000 người vào năm 2023; cần 150.000 nhân viên điều dưỡng vào năm 2025.
Ngoài ra, trong năm 2024, 25.000 lao động nước ngoài sẽ được thuê để làm việc tại nước này.