Sáng chế "độc" của thợ săn lươn: Chế sắt chữ V thu về cả triệu đồng
Dùng một thanh sắt hình chữ V tự chế gắn vào cây sào tre, thợ bắt lươn ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) lội xuống sông, ao hồ cào và dùng tay bắt chúng. Mỗi ngày họ thu được vài cân đem về khoản tiền từ 300.000 đồng đến gần 1 triệu đồng.
Sáng chế độc đáo
Sáng sớm anh Phạm Văn Sự, thợ cào lươn ở phường An Phú, cùng nhóm bạn chạy xe máy đến sông Đầm, xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) hành nghề. Đến gần bờ sông, họ cởi quần dài, trên người mang quần đùi, áo phông, đầu đội mũ.
Trên tay mỗi người cầm một cây sào tre dài hơn 1m, phía dưới gắn một khúc sắt dài khoảng 50 cm uốn thành hình V - gọi là cào. Dụng cụ này các thợ lươn tự chế.
“Cây sào là đoạn cây tre đực nhỏ thẳng đuột, chắc chắn. Sau đó chúng tôi lấy một thanh thép đưa đến thợ rèn nhờ họ cho vào lửa nung đỏ rồi đập dẹp và uốn cong theo khuôn khổ”, anh Sự cho biết.
Dòng sông đã được lựa chọn trước đó, nhóm thợ gồm 4 người lội xuống, nước ngập lên đến bụng, có nơi sâu gần ngực. Họ mang theo can nhựa khoét một lỗ bỏ lươn vào. Tốp người dàn thành hàng ngang bắt đầu “càn quét” đáy sông. Thao tác nhìn rất đơn giản, đôi tay nắm chặt cào rồi thả thanh sắt chữ V xuống đáy sông, dùng lực của đôi tay khua đi khua lại liên tục. Can nhựa được nối vào người bằng sợi dây, đi đến đâu nổi trên mặt nước chạy theo đến đó.
Thấy tôi đang đứng trên bờ, anh Sự bảo: "Cởi áo quần, đi bắt lươn thôi". Tôi làm theo để "mục sở thị". Công việc của những người thợ bắt đầu đưa cào xuống nước, họ đi đến đâu nước đục ngầu đến đó. Mỗi đợt đưa cào, lươn to, lươn nhỏ mắc vào thanh sắt, chúng không thể chạy thoát.
Lươn - loại da trơn để bắt chúng rất khó - điều này chắc ai cũng biết. Thế nhưng giữa dòng sông nước sâu mà tại sao mắc cào, những người thợ dùng tay không bắt chúng? Người viết bài hỏi thợ cào. Anh Sự đáp: Khi cào đôi tay phải tạo lực mạnh, chúng sẽ cắt một đường trong lớp bùn, khi gặp lươn, nó mắc vào khe cào hình chữ V.
“Lươn mắc vào cào, người thợ phát hiện ra liền, sau đó nhanh chóng đưa cào lên khỏi mặt nước và dùng sức mạnh của ngón tay ghì chặt lươn vào thanh sắt. Chúng sẽ mắc kẹt ở đây nên không thể chạy thoát, sau đó dùng hai ngón tay kẹp con lươn bỏ vào can. Trong can cho một ít nước vào để lươn sống thì khi bán mới có giá”, anh Sự giải thích.
Anh Sự có 15 năm gắn bó với nghề này khi được người cha truyền lại. Ban đầu mới vào nghề anh thấy rất khó bởi lươn sống trong bùn chạy rất nhanh, da lươn rất trơn nên không biết cách giữ thì khó bắt chúng. Tuy nhiên sau thời gian được người cha chỉ dạy, những thao tác đối với anh rất đơn giản.
Anh Sự cho biết ở Quảng Nam hệ thống sông hồ, ao đầm nhiều là môi trường thuận lợi cho lươn sinh trưởng phát triển. Nghề cào lươn hoạt động quanh năm, ngày hôm nay đến khu vực này đánh bắt thì hôm sau đến khu vực khác.
“Hiện các dòng sông đang hứng chịu lượng rác thải rất nhiều. Túi ni lông và những vật khó phân hủy nằm dưới đáy sông, lẫn trong bùn đã ảnh hưởng đến nghề cào lươn. Khi đưa cào xuống nó đụng vào rác thải thì mắc chặt vào cào nên bắt không nhiều lươn như trước đây. Bởi nghề cào lươn đòi hỏi đáy ao hồ, sông chỉ có lớp bùn dày, khi cào mới bắt được chúng, còn gặp rác thải thì không thể”, người thợ cào lươn này bộc bạch.
Anh Sự chia sẻ thêm: Có những khúc sông, túi ni lông nằm phía dưới dày đặc chúng tôi lội xuống cào được vài đường rồi phải lên bờ ngay. Quá trình hành nghề gặp những nơi như vậy, thợ cào lươn sẽ được đánh dấu trong trí nhớ để “cạch mặt”, chỉ những đợt mưa lũ lớn, nước cuốn trôi hết thì mới quay lại khai thác.
Vì sao thợ đi thành tốp?
Sau hơn 4 giờ đồng hồ dầm mình trong nước, mặt trời đứng bóng dưới ánh nắng chói chang, nhóm thợ cào lươn ngừng công việc. Nhìn vào mỗi can nhựa người bắt ít nhất được khoảng 80 con lươn, có tổng cân nặng chừng 2kg; người nhiều vài trăm con, trọng lượng khoảng 4kg nằm phía trong. Họ lên bờ kết thúc nửa ngày làm việc.
"Cào lươn khỏe hơn các nghề lao động khác và cho thu nhập cao hơn. Công việc nhẹ nhàng không bị ai thúc ép, tuy nhiên để bắt được lươn phải dầm mình trong nước. Những ngày nắng thì dễ làm, mưa rét nước lạnh rất vất vả. Nhưng đã gắn bó với nghề nhiều năm nên chúng tôi cũng thích nghi và làm quanh năm”, anh Phạm Quang tâm sự.
Anh Quang có hơn 20 năm hành nghề bắt lươn bằng thanh sắt. Số bạn cào lươn đều ở gần nhà, mỗi ngày đi làm họ rủ nhau đi cùng một lúc để bắt được nhiều lươn.
Theo anh Quang, tốp 4 người dàn thành một hàng ngang trên sông cũng có lý do của nó. “Lươn chạy rất nhanh, khi cào trúng không mắc vào thanh sắt chúng thoát rất nhanh hoặc nhiều lúc trúng phần đuôi đưa lên mặt nước chưa kịp bắt bị tuột mất. Lúc đó người bên cạnh sẽ không cho chúng chạy thoát”, anh Quang lý giải việc đi thành tốp.
Anh Quang chia sẻ thêm, nghề cào lươn ngoài việc lội xuống sông, ao hồ thì đến mùa nước cạn, hai bên bờ sông những bãi bùn nổi lên, ao hồ trơ đáy thì tìm nơi lươn trú ẩn để bắt. Lươn ở chỗ nào thì có một cái hang, khi phát hiện chúng dùng ngón tay lần theo, khi xác định vị trí dùng cào bắt. Cách làm này đỡ phải cào đi cào lại mất nhiều sức, phần không phải lội nước sâu.
Lươn đưa về nhà được thương lái đến tận nơi thu mua, nếu phân loại thì lươn lớn bán giá khoảng 200.000 đồng/kg, lươn nhỏ 100.000 đồng/kg, không phân loại thì 150.000 đồng/kg.
“Mỗi ngày cào lươn hơn 4 giờ đồng hồ, hôm thu nhập ít được 300.000 đồng, hôm nhiều hơn gần triệu đồng”, anh Quang nói và so sánh như làm nghề phụ hồ, công nhân thu nhập ngày gần 300.000 đồng nhưng rất nặng nhọc. Còn nghề này, chỉ làm một buổi thu nhập có ngày cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, giờ có nhiều người đánh bắt theo kiểu hủy diệt, họ dùng xung điện nên lươn bị suy giảm so với trước đây.
“Dù lươn có ít hơn nhưng mỗi ngày đi cào đều có thu nhập, chưa lúc nào đi về tay trắng. Bởi những “địa chỉ” có nhiều lươn ở chúng tôi đã thuộc trong lòng bàn tay. Nơi này bắt không được thì di chuyển đến nơi khác”, anh Quang cho hay.
Anh Quang bày tỏ thêm, lươn có giá trị dinh dưỡng cao, được chế biến thành nhiều món ăn ngon, do đó số lượng đánh bắt được bao nhiều thì thương lái đến nhà thu mua, chưa lúc nào ế ẩm. Họ mua không được giá thì chúng tôi nuôi nhốt, vì lươn sống được khá lâu.
“Ở đây thương lái thu mua rồi đưa đến các chợ bán, số đưa vào vào nhà hàng, quán nhậu chế biến món ăn. Lươn dùng nấu cháo, lươn xào sả ướt, lươn xào lăn, lươn um chuối, mì lươn…”, anh Quang thông tin.
Lươn được những người thợ cho vào can nhựa đổ ít nước để nuôi sống bán cho được giá
Theo Danviet.vn