Kinh ngạc với những sản phẩm của nhà sáng chế chỉ học hết lớp 7
Chỉ học hết lớp 7 nhưng nông dân Phạm Văn Hát, sinh năm 1972, ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) được mọi người nể phục bởi đã tự mày mò chế tạo ra nhiều máy móc có hiệu quả thực tế trong sản xuất nông nghiệp. Những chiếc máy này không chỉ giúp người nông dân trong nước nâng cao hiệu suất lao động mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Dựng cơ đồ từ tay trắng
Sinh ra trong gia đình làm nông, có đông anh em nên anh Hát phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Học hết lớp 7, anh Hát được gửi đến xưởng cơ khí vừa học vừa làm. Với năng khiếu bẩm sinh nên anh nhanh chóng nắm được các bí quyết của nghề. Với tay nghề học được, anh đi làm thuê cho các xưởng chuyên về sửa chữa ô tô. Tại các xưởng này, chỉ sau vài tháng, anh đã là thợ cả.
Năm 2005, anh trở về quê và mở xưởng sửa chữa công nông. Đến năm 2007, khi xe công nông bị cấm hoạt động, anh quay sang thuê đất và xây dựng mô hình trồng rau sạch với quyết tâm làm giàu trên quê hương mình. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân vẫn chưa quen với khái niệm rau sạch, rau an toàn nên sản phẩm tiêu thụ rất khó khăn. Vì thế, đến năm 2010 gia đình anh Hát đã “ôm” một khoản nợ gần 3 tỷ đồng, khiến gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Sau đó, anh Hát quyết định vay 200 triệu để đi lao động xuất khẩu sang Israel với hy vọng sẽ trả được phần nào số nợ trên và cũng để học kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao.
Sang Israel, anh Hát làm thuê cho một chủ trang trại. Một lần, chủ trang trại giao cho anh Hát đi rải phân thủ công trên cánh đồng. Để hoàn thành công việc sẽ mất nhiều thời gian nên Hát đã đề xuất với chủ trang trại cho anh thử chế tạo một cái máy làm công việc này thay cho 10 người. Sau một thời gian thuyết phục, chủ trang trại đã đồng ý cho anh Hát làm.
Theo đó, hàng đêm, anh tính toán số liệu, thiết kế và bắt tay vào chế tạo một chiếc máy rải phân. Khi làm xong máy rải phân và đem ra thử nghiệm trên cánh đồng đã mang lại kết quả bất ngờ. Sau vài lần chỉnh sửa, chiếc máy rải phân đã hoạt động rất tốt. Ông chủ trang trại đã đề nghị mua bản quyền chiếc máy và thưởng cho anh số tiền 10.000 USD đòng thời nâng lương cho anh lên 2.500 USD/tháng. Từ thành công ban đầu, các ý tưởng sáng chế máy móc nông nghiệp bắt đầu nhen nhóm trong anh.
Sau hơn 1 năm làm việc tại trang trại, anh Hát trở về quê hương. Tại quê nhà, thấy anh trai của mình là Phạm Văn Ca không thuê được người gieo hạt rau giống cho kịp thời vụ, anh Hát đã nảy ra ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy để rải hạt giống.
Sau gần 2 năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, chiếc máy đã ra đời với độ chính xác đạt tuyệt đối. Anh Hát đặt tên cho chiếc máy này của mình là “Robot đặt hạt”. Đến năm 2014, chiếc máy lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường và nhanh chóng được nhiều người tìm mua.
Anh Ca là người đầu tiên sử dụng chiếc máy đặt hạt cho biết, chiếc máy thực sự hiệu quả và giúp ích rất nhiều cho người nông dân. Nếu như trước đây gieo bằng tay thì một lạng hạt giống, anh Ca phải thuê 2 công với giá 400 nghìn đồng và gieo trong nửa ngày nhưng nay với chiếc máy này, anh chỉ phải gieo trong khoảng 20 phút, lượng hạt gieo đều, cây mọc đồng đều và nhiều hơn, không có hiện tượng cây gầy, cây yếu như trước.
Theo anh Ca, trước đây anh chỉ dám gieo hơn 2 sào rau giống nhưng nay nhờ có chiếc máy anh gieo hơn 1 mẫu. Anh cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng rau giống hơn so với trước kia. Đến nay, sau nhiều lần cải tiến, “Robot đặt hạt” đã tăng độ chính xác, công suất tăng cao hơn và có thể đặt được hạt giống cho khoảng 25 loại rau.
Hiện “Robot đặt hạt” đã được nông dân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước đặt mua với giá 35 triệu đồng/chiếc. Không những thế, nhiều khách hàng từ các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… đã tìm hiểu và đặt mua với giá 3.000 USD/chiếc. Máy sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ ngay đến đó, nhiều lúc anh còn chế tạo không kịp đơn đặt hàng.
Nhiều người cũng đã “đánh tiếng” muốn mua bản quyền chiếc máy nhưng anh Hát không bán, bởi nếu bán bản quyền cho người khác và họ nâng giá lên, người nông dân sẽ là người chịu thiệt đầu tiên. Năm 2015, anh Hát đã trả hết nợ và đang từng bước mở rộng xưởng sản xuất.
"Kỹ sư” của nông dân
Sau thành công của “Robot đặt hạt”, nhiều máy móc nông cụ lần lượt ra đời dưới bàn tay của chàng “kỹ sư” mới tốt nghiệp lớp 7 như máy cày hai lưỡi, máy phun thuốc sâu, máy làm luống, máy thu hoạch rau húng, lò sấy điện nông sản kiểu mới, máy thái cá, máy rửa thịt tự động… Mỗi chiếc máy đều hiệu quả, ưu việt hơn nhiều lần so với máy móc tương tự của nước ngoài. Cụ thể như máy cày của nước ngoài chỉ chạy được khoảng 15m lại phải nhắc cày ra do mắc rạ nhưng máy cày của anh Hát không bị lỗi này.
Mới đây nhất, anh đã chế tạo ra máy phun thuốc sâu chỉ với giá 65 triệu đồng/chiếc. Máy phun có sải cánh bề ngang 20m, mỗi lượt phun được 20m. Với thời gian 20 phút, máy phun được 2 mẫu ruộng nên thay thế cho nhiều lao động. Bánh xe của máy được thiết kế với đặc trưng riêng, khi hoạt động dưới ruộng không chèn lên lúa và có thể vượt qua các chướng ngại vật một cách dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện.
Mỗi khi bắt tay vào chế tạo một chiếc máy, anh Hát đều luôn tự hỏi với giá tiền này người nông dân có mua được không và những người không có trình độ, kiến thức có sử dụng được không? Sau khi trả lời được 2 câu hỏi này, anh Hát mới bắt đầu bước vào chế tạo máy. Nhờ vậy, các loại máy do anh chế tạo ra luôn đơn giản, dễ vận hành, dễ sử dụng và đem lại hiệu quả cao.
Anh Hát bộc bạch: “Hiện nay do thiếu thực tế nên nhiều người chế tạo ra các loại máy móc không phù hợp với điều kiện của người nông dân. Những nhà sáng chế không được đào tạo bài bản như chúng tôi với xuất phát điểm là nông dân, hiểu bà con cần gì, gặp phải khó khăn gì… nên máy móc chúng tôi chế tạo ra luôn được người nông dân đón nhận vì nó đáp ứng đúng nhu cầu thực tế”.
Năm 2017, một tập đoàn máy nông nghiệp của Mỹ đã sang Việt Nam và mời anh Hát sang Mỹ làm việc với mức lương 7.000 USD/tháng nhưng anh đã từ chối. Anh luôn tâm niệm, đất nước đang tiến hành hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mong muốn cống hiến hết trí tuệ và sức lực cho người nông dân Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương Nguyễn Kim Diện đánh giá: “Mặc dù trình độ văn hóa mới lớp 7, không được đào tạo bài bản qua các trường đại học nhưng anh Hát đã chế tạo ra được nhiều máy móc có tính sáng tạo, mới, tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả kinh tế. Những máy móc do anh Hát sáng tạo ra đã góp phần quan trọng giải phóng sức lao động cho người nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp của nước ta”.
Anh Hát cho biết, mỗi năm anh sáng chế ra khoảng 8 - 10 đề tài máy móc và hiện anh đang tiến hành thuê thêm đất mở rộng xưởng sản xuất, làm kho cất giữ máy móc. Anh đã và đang tạo việc làm cho một số lao động địa phương với mức lương khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hát tâm tư: “Những người chế tạo như chúng tôi hiện nay vẫn chịu nhiều thua thiệt và gần như tự mày mò một mình. Chúng tôi cũng chưa được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đăng ký bản quyền và khó khăn khi tiếp cận để vay vốn, không được dự án nào của Nhà nước hỗ trợ hoặc tham dự những buổi giao lưu, gặp gỡ các nhà khoa học để có thêm hiểu biết. Nếu được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, những nhà sáng chế như chúng tôi sẽ giảm nhiều chi phí, chủ động hơn trong việc chế tạo ra nhiều máy móc có hiệu quả hơn nữa”.
Anh cũng đề nghị các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những “nhà sáng chế nông dân” như anh có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bởi theo anh Hát, không được học thì không thể viết báo cáo hay vẽ hình 3D về các sản phẩm máy móc do mình chế tạo ra được mà chỉ biết làm theo kinh nghiệm và máy hoạt động tốt là được. Do không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhiều máy móc anh chế ra chỉ sau vài tháng đã thấy rao bán trên mạng internet mà không biết ai là tác giả.
Ông Nguyễn Kim Diện - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương cho biết: Hàng năm, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương vẫn tìm kiếm, hỗ trợ các tác giả có các sáng kiến, đề tài áp dụng có hiệu quả trong đời sống xã hội, hiệu quả kinh tế thông qua các giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đây cũng là một kênh để các nhà sáng chế quảng bá các sản phẩm của mình.
Đồng thời, với các đề tài được giải, khi các tác giả cần, Hội sẽ hướng dẫn để họ làm thủ tục xin được cấp quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả.
Với sản phẩm “Robot gieo hạt”, anh Hát đã giành giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương 2012-2013, giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc năm 2013, giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014. Anh còn được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và tham dự Đại hội điển hình nông dân tiên tiến toàn quốc. Anh cũng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đặc biệt, vừa qua anh vinh dự là 1 trong 70 điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Theo baotintuc.vn