Rủ nhau thức canh lộc đất, nếu trúng "ổ" 1 tiếng kiếm 5 triệu đồng

Hàng loạt người rủ nhau thức đêm để đi săn "lộc đất", đó là nấm mối tự nhiên. Bởi nếu trúng "ổ" nấm mối, trong vòng 1 tiếng đồng hồ 1 người có thể hái được 10 kg nấm, tương đương khoảng 5 triệu đồng.

Theo chân "thợ săn" nấm mối

Tôi đang ở Phan Thiết thì nhận được cuộc điện thoại của người cháu ở xã Bắc Ruộng, Tánh Linh dặn ra Bến xe Nam Phan Thiết nhận 2 kg nấm mối về ăn. Ngạc nhiên tôi hỏi ở đâu ra mà có nấm mối nhiều vậy, cháu bảo mới đi "săn" được sáng nay nên gửi chú ăn lấy thảo. Năm nay, được mùa nấm mối, chú thích thì lên đi trải nghiệm hái nấm mối với cháu… 

Từ Phan Thiết tôi chạy xe máy lên Bắc Ruộng hơn 100 km lúc trời vừa chập tối, nghĩ trong đầu chắc là trễ hẹn chuyến đi "săn" nấm mối với thằng cháu nhưng nó tỉnh bơ nói chú cứ nghỉ ngơi trước, ngủ một giấc lúc nào con gọi thì đi. Tầm khoảng 3 giờ sáng, Châu - cháu của tôi gọi dậy sau khi đã chuẩn bị chiếc đèn pin và dụng cụ hái nấm bằng thân tre được mài giũa thành hình dáng con dao có lưỡi sắc nhọn. 

Thấy cây dao bằng tre tôi thắc mắc hỏi sao không lấy dao Thái Lan hay dao khác mà phải làm dao bằng tre cho mất công, Châu cười bảo nấm mối rất kỵ kim loại, nhiều người không biết hay dùng bay của thợ xây để dễ lấy nhưng như vậy năm sau nấm mối sẽ không mọc lại. Cùng đi với Châu và tôi có thêm 3 người bạn của nó ở cùng xóm là Tèo, Đức và Thành. 

Trong nhóm Tèo là người có kinh nghiệm lâu năm hái nấm mối nhất, bởi những năm trước Tèo đã từng về Gia Huynh, cách nhà hơn 50 km bám trụ cả tháng trời để "săn" nấm mối bán cho thương lái từ thành phố Hồ Chí Minh ra "gom" hàng. 

5 người rọi đèn pin chia nhau đi rẽ vào các vườn điều trồng ở trên rẫy cao cách nhà hơn 1 km, nơi thường có các ụ mối ùn lên vào mùa mưa. Tôi thắc mắc hỏi: Vì sao cứ đi tìm ở các ụ mối với những chỗ có cây gỗ mục vậy mấy cháu?

Do có kinh nghiệm hái nấm nhiều năm nên khi tôi thắc mắc hỏi Tèo giải thích khá đơn giản và chẳng có tính khoa học nào cả là… nấm mối do con mối sinh ra nên nó phải mọc gần ụ mối nơi ổ mối sinh sống. Ngoài ra mối hay ăn gỗ, khi ăn tiết ra chất trong thân mối đọng lại gần thân gỗ, lúc này gỗ đã mục nên nấm sẽ mọc lên nhiều hơn nơi khác?!

Rủ nhau thức canh lộc đất, nếu trúng ổ 1 tiếng kiếm 5 triệu đồng - 1

Thành quả sau 2 tiếng đi săn nấm mối.

Cả nhóm đi hơn 2 tiếng đồng hồ lùng sục khắp các vườn điều và vườn cao su của người dân. Thậm chí "đụng độ" hàng chục người khác trong xã cũng chong đèn đi "săn" nấm. Tôi với Châu chỉ hái được chừng hơn 1 kg, Châu bảo hôm nay "xui" đi không trúng điểm nấm mọc nên… thất thu. Ngược lại nhóm trong xã khi gặp hỏi thăm nhau đã khoe có người hái được khoảng 3 - 4 kg.

Gần 5 giờ sáng cả nhóm định ra về thì bất ngờ Tèo bảo chờ chút "để tui đi vào chỗ này xem sao nhé". Châu hỏi chỗ ụ mối có đám cây mục năm ngoái bọn mình hái một mớ đó hả? Tèo chỉ ừ nhẹ một tiếng rồi "lủi" đi về phía trước… Khoảng 10 phút sau Tèo kêu to: "Tụi bây ơi, vào đây", cả nhóm lật đật chạy nhanh vào chỗ Tèo.

Trước mắt tôi là một đám nấm mọc chi chít xen lẫn vào nhau lớn, bé có đủ. Ngoài ra, trước khi chúng tôi kịp tới thì Tèo đã hái được hơn nửa giỏ, ước phải gần 5 kg…

Rủ nhau thức canh lộc đất, nếu trúng ổ 1 tiếng kiếm 5 triệu đồng - 2

Nấm mối được mua không dưới 500 ngàn đồng/kg.

 

Bảo tồn nguồn "lộc đất"…

Đầu mùa mưa nấm mối thường mọc ở triền đồi, trong vườn điều, cao su… khá nhiều ở các vùng trải dài từ Tuy Phong trở vào nhưng nhiều nhất vẫn là ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh nhưng nhiều nhất phải kể đến Tánh Linh… Tuy nhiên, phải mất hơn 5 năm nay Tánh Linh mới có lại mùa "săn" nấm mối rộn ràng đầy phấn khích như thế… 

Còn nhớ năm 2017, ở vùng Gia Huynh, Suối Kiết (Tánh Linh) và Trà Tân, Tân Hà (Đức Linh) cùng vào thời điểm này nấm mối mọc dày dưới tán rừng cao su và vườn điều. Khi phát hiện có nhiều nấm mối, nhà nhà "hú" nhau đi hái, cùng lúc thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh nghe tin đã cho xe đông lạnh ra vùng Tánh Linh canh sẵn người hái nấm đi về để thu mua nấm. 

Thời điểm ấy dân đi cạo mủ cao su và người dân trong vùng có ngày nhờ hái nấm đã thu bạc triệu, tạo nên "cơn sốt" nấm mối Tánh Linh, Đức Linh vang xa cả nước… Nấm mối tự nhiên có màu trắng sữa, cao từ 5 - 20 cm, tùy thời gian thu hoạch, nấm có mũ tai bèo. Khi nấm mới nhu lên trên đầu mũ có 1 lớp phủ màu tro, nấm càng bung mũ lớn màu tro sẽ nhạt dần và chất lượng cũng giảm hơn khi dùng còn đương nụ.

Mùa này, hầu hết người dân vùng quê trong tỉnh, nhất là dân làm rẫy thường hay đi "canh" những vùng nấm mối hay mọc để hái, dân chuyên nghiệp hái nấm để bán ra thị trường hay dùng từ "săn" nấm. Bởi người "săn" nấm phải canh giờ khi nấm vừa ló đầu khỏi mặt đất chừng 2 cm để hái, lúc này gọi là nấm nụ sẽ có giá cao nhất, nếu để nấm bung đầu chất lượng nấm giảm vì thế giá cũng giảm đi rất nhiều. 

Đầu tiên người đi hái nấm chỉ để "ăn chơi", giá cả cũng vừa với túi tiền của người dân nông thôn. Tuy nhiên, khi dân thành thị "hít" món nấm mối trở thành đặc sản và tạo nên thị trường sôi động khi vào mùa. Ở Đức Linh, dân Trà Tân, Tân Hà, Đa Kai, Sùng Nhơn, Mé Pu vào mùa này hay đi hái nấm ở các vườn điều, cao su hay những vườn cây ăn trái khác như sầu riêng, cà phê... 

Ở Hàm Thuận Bắc từ Đông Tiến trở lên La Dạ, Đa Mi cũng có nhiều ở vườn cà phê và cây ăn trái nhưng hầu hết các vùng này có bao nhiêu "nội tiêu" hết bấy nhiêu. Đặc biệt ở Tánh Linh, nấm mối có rất nhiều trải dài từ Suối Kiết đến Đức Phú. Tuy nhiên, nhiều nhất phải kể đến khu vực Gia Huynh, nơi đây có cả chục ngàn ha cao su và cũng là "vương quốc" nấm mối. 

Do điều kiện thuận lợi về mặt thời tiết lẫn các đặc điểm như mùa khô cao su rụng lá, những cành cây khô nhỏ cao su ủ trong lá khi mưa xuống trở thành mồi ngon của mối nên nấm mối sản sinh khá nhiều. Nhiều người khai thác nấm mối có kinh nghiệm họ sẽ không nhổ hết, thường chừa lại một ít để mối còn gốc năm sau sẽ sinh trưởng. 

Để rồi năm sau họ lại tìm đến điểm này thu hoạch đợt nấm mối mới. Với họ như vậy là bảo tồn "gien" giống nấm mối tự nhiên để còn ăn lâu dài. Nhưng nhiều khi không biết thì lấy hết sạch sẽ nên có năm chẳng có cây nấm mối nào…

Giá nấm mối năm nay dân bán ra thị trường chỉ tầm 500.000 - 550.000 đồng/kg nhưng nếu mua ở các điểm bán lại giá sẽ không dưới 700.000 đồng/kg, nhất là nấm mới bung đầu, nấm nụ giá sẽ cao hơn rất nhiều. Nhóm của tôi hôm ấy cũng kiếm được kha khá nấm mối. 

Riêng với Tèo, ngoài phần để gia đình ăn, Tèo đã bán hơn 10 kg cho đầu mối gom nấm, thu 5 triệu đồng từ "lộc đất" trong 1 buổi "săn" nấm. Với tôi, được 1 lần trải nghiệm "săn" nấm mối và được thưởng thức món đặc sản tự nhiên "lộc đất" rất thú vị…

Theo Trần Thi - Báo Bình Thuận