Robot và Cobot thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động tay nghề cao
Xu hướng sử dụng robot và robot cộng tác ngày càng phổ biến trong các nhà máy Việt Nam. Người lao động có nguy cơ mất việc nếu không trang bị kiến thức, kỹ năng… trong thời đại công nghệ cao.
Robot và cobot đang dần thay thế người lao động
Universal Robots, công ty về robot cộng tác (cobot) có trụ sở tại Đan Mạch đã tổ chức "Collaborative APAC - Cobot Expo 2021", một sự kiện trực tuyến quy tụ các tên tuổi lớn trong mảng tự động hóa ở châu Á - Thái Bình Dương để giải quyết những thách thức kinh doanh về các vấn đề lực lượng lao động già, thiếu hụt lao động và sự thay đổi nguyện vọng nghề nghiệp bị tác động bởi tự động hóa cộng tác.
Ông Kim Povlsen - Chủ tịch Universal Robots cho rằng, khi hướng tới trạng thái bình thường mới, các DN phải đối mặt với những thách thức về chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động gây ra bởi lực lượng lao động già và những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.
Nhiều công việc trong các ngành sản xuất, lắp ráp và chế biến đòi hỏi người lao động làm những công việc buồn tẻ, thiếu vệ sinh và nguy hiểm.
"Tự động hóa mang tính cộng tác đang giúp con người có thể hướng đến những công việc thú vị hơn. Giờ đây công nhân có thể giao việc cho "đồng nghiệp" của họ là các robot cộng tác, những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại và dành nhiều thời gian hơn trong việc phát triển chiến lược sáng tạo, tìm kiếm giải pháp đối phó với thách thức của DN bằng sự sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề của mình", ông Kim Povlsen nói.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc vận hành các nhà máy đã trở thành một thách thức do lực lượng lao động già. Đặc biệt, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguyên vật liệu do tác động của Covid-19 đã khiến các nhà sản xuất phải đương đầu với việc chuyển đổi.
Cobot có thể đem lại như sự linh hoạt cùng với yêu cầu về diện tích nhỏ, chủ DN và các nhà sản xuất vẫn có thể giữ vững sức cạnh tranh trên thị trường, thậm chí có thể thu hút các DN mà trước đây phải đặt nhà máy ở nước ngoài chuyển cơ sở về nước.
Với hơn 10 triệu nhiệm vụ hiện đang được con người thực hiện, dự báo, cobot sẽ còn tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân. Có rất nhiều cơ hội lớn giúp các DN tạo ra nhiều việc làm có ý nghĩa và tiếp tục thúc đẩy nhanh hơn nữa làn sóng tự động hóa.
Thị trường Việt Nam hiện đã có nhiều công ty gia nhập như ABB (có trụ sở tại Thụy Sỹ), Yaskawa (Nhật Bản) và Kuka (Trung Quốc). Một số công ty lớn của Việt nam cũng đang ứng dụng robot công nghiệp, gia tăng mô hình "nhà máy thông minh" tại các khu công nghiệp.
Đơn cử, tại xưởng hàn thân xe ô tô trong nhà máy VinFast, có hơn 1.200 con robot làm việc liên tục. Hay các nhà máy lắp ráp ô tô thương hiệu Mazda, Kia của Thaco, nhiều robot đang làm việc. Trong đó, nhà máy Mazda của DN này là một nhà máy thông minh khi được vận hành hoàn toàn bằng các robot và dây chuyền sản xuất tự động trên nền tảng số hóa.
Còn tại nhà máy của Vinamilk, Vinasoy, Habeco, Samsung… rất nhiều robot đã được sử dụng. Chẳng hạn như tại hai nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk ở Bình Dương, tất cả các quy trình vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, nhập kho và xuất hàng đều do robot đảm nhiệm.
Việt Nam thị trường mới nổi của robot và cobot
Theo các chuyên gia, Việt Nam là thị trường mới nổi cho lĩnh vực robot. Tại Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu sử dụng robot với mức bình quân 488 con/10.000 lao động. Thái Lan và Malaysia đứng kế tiếp với tỷ lệ sử dụng robot tương ứng là 45 và 34 con.
Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế khi các DN sử dụng robot ngày càng nhiều. Robot sẽ được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng cũng như để đạt năng suất cao hơn.
Ông James McKew - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Universal Robots cho rằng, ngành sản xuất của Việt Nam có cơ hội nhận được nhiều lợi ích nhất từ robot do các quy trình trong ngành liên quan tới nhiều tác vụ lặp đi lặp lại trong những không gian hạn chế.
Đặc biệt, trong môi trường sản xuất, các cobot có thể hoạt động ổn định, nhất quán suốt 24/7 trong điều kiện vận hành khắc nghiệt mà không cần nghỉ ngơi.
Theo báo cáo "Thị trường robot hợp tác theo trọng tải, thành phần, ứng dụng, ngành và khu vực địa lý - Dự báo toàn cầu đến năm 2026" của Markets and Markets, cobot ngày càng được nhiều ngành công nghiệp sử dụng vì giúp tăng năng suất và sử dụng nhân công hiệu quả.
Đến năm 2026, thị trường này sẽ đạt giá trị 7.972 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) bằng 41,8%. Thị trường cobot ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) cũng được kỳ vọng sẽ vượt châu Âu trong năm nay nhờ các ngành sản xuất quy mô lớn, nhất là lĩnh vực xe hơi, đồ điện tử và kim khí - những lĩnh vực đang tăng cường triển khai cobot.
"Bằng cách hạ thấp rào cản tự động hóa vừa tầm với những nhà sản xuất vốn chưa từng nghĩ đến việc triển khai robot do yếu tố chi phí và độ phức tạp, hy vọng sẽ giúp ngành công nghiệp của Việt Nam đạt năng suất cao hơn và duy trì mức sử dụng hiệu quả các nhà máy của họ", ông James McKew cho biết.