Ra trường có việc làm ngay, thu nhập ổn định từ các lớp học "nửa áo học sinh, nửa áo thợ"
Đối với học sinh, việc lựa chọn mô hình 9+ là con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định.
Mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh lớp 9 của nông thôn đứng trước lựa chọn tiếp tục theo học cấp 3 hay bỏ học để đi làm. Trước thực trạng này, vấn đề đặt ra là làm sao để các em, kể cả khi lựa chọn làm nghề cũng có được một nghề ổn định và có thu nhập.
3 năm qua, hình thức "học nước rút" của học sinh tốt nghiệp THCS và theo học trung cấp nghề đã trở thành phương án học tập hiệu quả được triển khai ở nhiều địa phương được gọi là "Chương trình 9+". Tham gia chương trình này, các em vừa có thể học văn hóa để hoàn thành chương trình THPT, vừa học nghề trình độ trung cấp. Với trẻ ở tuổi 15 ở nông thôn, đây là một lối ngắn để vào nghề.
Lớp trung cấp nghề hàn tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) có 30 học sinh lớp 10. Sáng học văn hóa còn chiều, học sinh làm quen với mặt nạ, que hàn và tính chất của các loại vật liệu thép. Trong lớp này, nhiều em cho biết đã từng nghĩ đến chuyện bỏ học nhưng đi học nghề lại là một hứng thú khác.
"Ra trường, em sẽ có 2 bằng và xin việc dễ hơn. Còn nếu học THPT sẽ phải học thật tốt và phải thi được lên đại học" - em Cao Quốc Anh, xã Nam Sơn chia sẻ.
Hơn 1.300 học sinh đang theo "Chương trình 9+" tại trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 với ba nhóm nghề Điện, Cơ khí hàn và Máy xây dựng. Khác với học sinh cuối cấp THPT còn đang trăn trở chọn ngành, chọn trường thì các học sinh ở lớp cơ điện tử này đã biết ra trường mình làm gì.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Bộ Xây dựng cho biết: "Khi các em học xong thì gần như 100% có việc làm. Doanh nghiệp về tận trường tuyển dụng và ký hợp đồng tại chỗ".
Các tiết học văn hóa cũng được chú trọng nội dung để các em có thể ứng dụng vào các giờ học nghề như các môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ... Theo "Chương trình 9+", học sinh có thể lựa chọn đi làm ngay với bằng trung cấp, hoặc học tiếp lên cao đẳng, hoặc liên thông đại học ngay từ khi tốt nghiệp THCS.
Điều đó đồng nghĩa với việc học viên sẽ tiết kiệm chi phí đào tạo trong nhà trường, rút ngắn thời gian học tập cũng mang lại những cơ hội lập nghiệp sớm cho các bạn trẻ.
Thay bằng bỏ dở học hành, ở quê nhà giúp gia đình làm ruộng hay tới các đô thị làm lao động tự do, thu nhập thấp thì chỉ sau 2 năm, các em vừa học văn hóa, vừa có tấm bằng trung cấp nghề. Mức lương từ 4,7 triệu đồng, tương đương lương công nhân bậc 3/7 và dễ tìm việc làm. "Chương trình 9+" không chỉ phân luồng hiệu quả mà còn tạo cơ hội cho nhiều học sinh ở nông thôn có định hướng, có nghề nghiệp từ sớm.
Theo VTV.VN