1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Gần 50.000 lao động nông thôn được tham gia đào tạo nghề

Sau 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 50.000 lao động nông thôn và người khuyết tật, qua đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo tại các huyện nghèo.

Khởi sắc trong công cuộc xoá đói giảm nghèo

Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Mỗi khoá học, lao động đi học nghề được hỗ trợ từ 2-6 triệu đồng/người.

Đề án này được xem như một “làn gió mới” đối với công tác giảm nghèo ở khu vực nông thôn, đặc biệt là một số huyện nghèo miền núi.

Từ chỗ chỉ quen với ruộng đồng, chăn nuôi manh mún, người nông dân ở nhiều địa phương được tiếp cận rất nhiều nghề: Vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, đan lát, may mặc, điện dân dụng...

Gần 50.000 lao động nông thôn được tham gia đào tạo nghề - 1

Nghề học thêu ren đính cườm được đánh giá là nghề phát huy hiệu quả cao tại huyện Bá Thước. 

Tại huyện vùng cao Mường Lát, sau những năm thực hiện Đề án, một số nghề đã mang lại hiệu quả rõ rệt như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; Chăn nuôi thú y. Nhiều hộ gia đình bắt đầu từ thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, giờ đây trong số họ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi có quy mô lớn hơn nhờ kiến thức hiểu biết thông qua các lớp học nghề…

Nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương. Nghề phi nông nghiệp như “Kỹ thuật xây dựng” cũng tạo cơ hội cho một số lao động có việc làm ổn định tăng thu nhập.

Ngọc Lặc cũng là một trong số những huyện nghèo của Thanh Hóa. Tại các thôn, bản vùng cao, nhiều lao động dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn khi tìm việc làm. Nhiều lao động thiếu kiến thức, trình độ nên rất khó xin vào làm các doanh nghiệp hoặc phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tại huyện Bá Thước, sau 10 năm thực hiện Đề án, có hơn 20 nghìn lao động được đào tạo, từ năm 2016-2019, đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động hơn 2000 người. Riêng năm 2019, địa phương này đã đào tạo được hơn 2.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động là 252 người.

Tỷ lệ hộ nghèo của Bá Thước trong năm 2010 là 46,09%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bá Thước chỉ còn 7,26%.

Học viên sau khi hoàn thành các lớp dạy nghề đã có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Từ thực tế này, huyện đã khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động để mở các lớp dạy nghề phù hợp với từng xã của huyện và nhu cầu của người học, nhất là  đối với lao động chọn học các nghề may, công nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng.

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐ&TBXH huyện Bá Thước cho biết: “Những năm qua, huyện Bá Thước rà soát nhu cầu thực tế và trên cơ sở kế hoạch của tỉnh đã thực hiện đào tào được một số ngành nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi trâu bò sinh sản; Thêu ren đính cườm theo công nghệ Hàn; Công nghệ điện kỹ thuật; Đan mũ bẹ ngô phục vụ khách du lịch; Dệt thổ cẩm. Đề án được xem như là cứu cánh, tạo cơ hội giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động là người dân tộc thiểu số”.

Gần 50.000 lao động nông thôn được tham gia đào tạo nghề - 2

Nhiều nghề đã được giáo viên từ trung tâm về xã dạy cho học viên.

Cũng theo ông Hiền thì hiện nay nghề thêu ren đính cườm là mang lại hiệu quả cao nhất, người lao động là đối tượng khuyết tật, học viên vừa học vừa làm sản phẩm sẽ có ngay doanh nghiệp đến lấy. Hai năm trước thì có nghề đan mũ bẹ ngô nhưng sau này không phát huy được hiệu quả do không có nguyên liệu nên những năm sau huyện không đưa nghề này vào đào tạo nữa.

Được biết, sau 10 năm triển khai, với gần 230 tỷ đồng chi đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng được các cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện; hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 50.000 lao động nông thôn và người khuyết tật.

Phần lớn sau khi ra trường, các học viên đều tìm được việc làm ở địa phương hoặc các công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đào tạo nghề cần gắn với việc làm

Dù hiệu quả từ Đề án mang lại rất cao thế nhưng nhiều lao động miền núi chưa mặn mà với việc học nghề là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động miền núi hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Nhiều địa phương chưa thực sự tìm được một hướng đi thích hợp trong khi nguồn lao động tại chỗ rất dồi dào.

Tại huyện Mường Lát, mặc dù các học viên theo học tại trung tâm dạy nghề huyện, được miễn giảm hoàn toàn tiền học phí và được hỗ trợ tiền ăn theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng số lượng lao động tham gia học nghề vẫn còn rất ít.

Gần 50.000 lao động nông thôn được tham gia đào tạo nghề - 3

Đào tạo nghề cần phải gắn với đầu ra thì mới phát huy được hiệu quả.

Một số địa phương, các trung tâm dạy nghề đã tổ chức các lớp đào tạo nghề xuống tận xã, xóm để học viên không phải đi xa, đỡ tốn kém nhưng xem ra cách làm này vẫn chưa làm cho các học viên mặn mà hơn với việc học nghề. Nguyên nhân chính vẫn là do họ chưa nhìn thấy được đầu ra cho việc học. Bởi những ngành đào tạo thì trên địa bàn lại không có các công ty, xí nghiệp này đóng.

Đã tham gia lớp học nghề Chóc quại bèo tây do xã tổ chức, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh ở xã Thạch Cẩm (Thạch Thành) vẫn chưa từng tham gia làm nghề vì trên địa bàn xã không có cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này.

Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ chủ trương không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề. Để thực hiện được điều này, các địa phương phải chủ động trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kế hoạch đào tạo phải sát với yêu cầu thực tiễn, nhất là khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của người lao động.

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐ&TBXH huyện Bá Thước cho rằng việc học viên không mặn mà là do địa bàn dân cư khá xa xôi cũng là nguyên nhân khiến người lao động không mặn mà để đi học.

Nhu cầu về kinh phí hỗ trợ của người học lại đòi hỏi khá cao, trong khi Nhà nước chỉ quy định có chừng đó.

Ngoài ra, ở huyện Thường Xuân, trong số nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo Đề án có lớp học trồng cây cảnh. Có nhiều người theo học, nhưng qua tìm hiểu, cũng không có học viên nào học xong mà cải thiện được cuộc sống từ nghề này. Hay như nghề làm thảm bèo ở Đồng Thịnh (Ngọc Lặc)... cũng không phát huy hiệu quả.

Còn theo lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện Mường Lát, nhận thức của người lao động trong việc đào tạo nghề, tự tạo việc làm còn hạn chế. Lao động còn chưa thoát khỏi thói quen làm việc tự do, ngại đi xa nhà. Trong khi đó, lãnh đạo chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch hàng năm.

Sự phối hợp giữa các phòng ban ngành liên quan chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện, các cơ sở sản xuất, các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp còn rất khiêm tốn. Vì vậy việc thu hút lao động sau khi học nghề vào làm việc còn khó khăn.

Bình Minh