Trả lương theo vị trí việc làm: Chấm dứt chính sách “cào bằng”

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về chính sách tiền lương, từ năm 2021 trên cả nước sẽ tiến hành trả lương theo vị trí việc làm (VTVL) và theo chức vụ lãnh đạo quản lý.

 

Trả lương theo vị trí việc làm: Chấm dứt chính sách “cào bằng” - 1
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Hà Nội cũng nằm trong xu hướng chung đó, song theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, cùng với những cơ chế riêng về trả lương, cần thiết phải có giải pháp quyết liệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản đội ngũ để Thủ đô có thể thực thi tốt chính sách mới này.

Trả lương theo hiệu quả công việc

Theo ông, quan điểm thay đổi chính sách trả lương theo VTVL và theo chức vụ lãnh đạo quản lý có phù hợp xu thế và thể hiện ưu việt gì so với chính sách hiện hành?
- Theo tôi, thay đổi như vậy chắc chắn phù hợp nghị quyết của Đảng, với xu hướng hiện đại và cũng phù hợp tình hình cả nước hiện nay, trong đó có Hà Nội. Lâu nay chúng ta quản lý trả lương theo chức nghiệp (công tác càng lâu lương càng cao) và theo bằng cấp (tốt nghiệp ĐH được ký hợp đồng làm thì luôn có hệ số lương khởi điểm 2,34).

Từ một mức lương cơ sở nhân lên hệ số sẽ ra bậc lương; bất kỳ ngành nào, chuyên viên đều có 9 bậc, chuyên viên chính 8 bậc…

Điều này thể hiện trả lương “cào bằng”, với bất cập rõ là nhiều lãnh đạo quản lý phải chịu trách nhiệm rất lớn nhưng hưởng lương thấp hơn nhân viên và hệ số trách nhiệm rất nhỏ, chỉ vì nhân viên có thâm niên cao hơn và cứ sau 3 năm lại lên bậc, trong khi hai bậc liền nhau chỉ chênh mấy chục nghìn đồng.

Như vậy không đánh giá được trách nhiệm công chức viên chức (CBCC), không khuyến khích người lao động (NLĐ) phấn đấu.

Trả lương theo vị trí việc làm: Chấm dứt chính sách “cào bằng” - 2
 Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Ảnh: Thùy Linh

Song, từ năm 2021 sẽ căn cứ kết quả công việc để trả lương; theo đó mỗi ngành có một số VTVL, trong mỗi vị trí xác định luôn mức lương riêng chứ không đều giữa mọi ngành như hiện nay.

Ưu việt nhất trong chính sách mới này theo tôi là giúp chấm dứt tình trạng “cào bằng” trong trả lương. Không cần biết bằng cấp gì, khi đã mô tả công việc theo một khung năng lực, một người dù mới vào hay lâu năm, cứ đáp ứng yêu cầu công việc tại VTVL đó, phải được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được; không đáp ứng thì không được bố trí nữa.

Có thể những ngành vất vả sẽ được xếp vào một nhóm hưởng lương cao hơn. Như vậy, lương sẽ phản ánh thực chất năng lực, cống hiến. Đồng thời, lương sẽ trở thành thu nhập chủ yếu, không phải phụ cấp như từ trước đến nay.

Hiện phụ cấp có khi chiếm tới 70 - 80% tổng thu nhập của một CBCCVC, nhưng từ 2021 sẽ ngược lại: 80% thậm chí 100% tổng thu nhập là lương. Điều đó chính xác, bởi tôi cho rằng ngành nào cũng đều tự quy định tính chất công việc của chính nó nên không thể có cái gọi là “ngành đặc thù”! Chẳng hạn, đã là giáo viên thì phải đứng lớp, không thể coi là đặc thù.

Khi phải thực hiện theo quy định chung, theo ông có cần thiết áp dụng cơ chế riêng cho Hà Nội với tính chất một đô thị đặc thù?

- Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh theo tôi biết đang có một số kiến nghị cụ thể với Bộ Nội vụ cho áp dụng cơ chế trả lương cao hơn mức chung cả nước, nhất là với một số ngành như giáo dục...

Điều này cũng xuất phát từ thực tế cùng một ngành, một VTVL nhưng CBCC ở Hà Nội phải chịu khối lượng, tính chất công việc phức tạp hơn nhiều so với các địa phương khác, vì số dân đông hơn và mức chi tiêu có khi gấp 2 - 3 lần. Nếu từ 2021 không tính theo “phụ cấp đắt đỏ” đó nữa thì nên đưa khoản đó vào lương.

Tôi cho rằng đề xuất của Hà Nội là hợp lý, vì đó là đặc thù cụ thể của địa bàn, đã có Luật Thủ đô. Rõ ràng đô thị lớn thì sức ép công việc lớn hơn rất nhiều, nhất là lượng giao dịch với người dân.

Mỗi công chức “một cửa” ở đô thị phải thực hiện 100 - 200 giao dịch/ngày, giải quyết hàng chục hồ sơ; trong khi công chức “một cửa” ở miền núi mỗi ngày chỉ vài chục giao dịch, vài hồ sơ. Yêu cầu cải cách hành chính ở đô thị cũng cao hơn, như chỉ sau 1 - 2 ngày phải trả được kết quả hồ sơ cho người dân.

Phải giảm được đội ngũ “ăn lương ngân sách”
Theo ông, việc trả lương theo VTVL cùng với hệ quả tích cực, liệu có thể gây nên những ảnh hưởng, nhất là với đô thị đặc thù như Hà Nội?

- Theo kinh nghiệm nhiều nước từ lâu đã trả lương theo VTVL, trước tiên phải xác định được VTVL thật chuẩn, từ đó trả mức lương thế nào cho phù hợp - đó là cái khó của các nhà hoạch định chính sách. Phải tính điều này cho kỹ, nếu không sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa ngành này ngành kia, vì cùng là công chức nhưng lương ngành LĐTB&XH khác với ngành GTVT, ngành nội vụ…

Chính bởi vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu phải triển khai quyết liệt, trước hết xác định VTVL cho tốt rồi mới tính đến lương.

Việc tính lương chỉ là biện pháp kỹ thuật; còn khó nhất là xác định VTVL, cơ cấu công chức lãnh đạo, chia nhóm ngành cho phù hợp. Cần xác định rất chi tiết, nếu không sẽ có so bì: “Tại sao tôi làm ở văn phòng sở này, vất vả hơn mà lương thấp hơn người cùng làm vị trí đó ở văn phòng sở khác?”.

Riêng với Hà Nội, để thu hút NLĐ thì tôi nghĩ việc trả lương thế nào mới chỉ là một yếu tố. Quan trọng nhất phải là môi trường làm việc tốt, cùng nhiều yếu tố khác, mới có thể thu hút người tài.

Vậy muốn thực hiện tốt trả lương theo VTVL, Hà Nội cần có những điều kiện gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng trước hết, TP cần xác định VTVL cho thật chuẩn theo từng ngành nghề, lĩnh vực, trong từng vị trí nên nêu rõ mức lương thế nào cho phù hợp. Cùng với đó, Hà Nội với đặc thù phức tạp hơn, nhất là số dân, số CBCC, NLĐ lớn hơn nhiều, quỹ lương phải cao hơn, nên quan trọng nhất là xác định VTVL để tinh giản bộ máy, sắp xếp lại tổ chức và chức năng nhiệm vụ các cơ quan.

Từ đó mới có điều kiện tăng lương theo VTVL và chức vụ. Nếu cứ bộ máy cồng kềnh, các cơ quan có nhiều tầng nấc trung gian thì không thể có điều kiện tăng lương.

Như ngành thương mại có thể tăng xã hội hóa, chuyển sang mô hình DN, cho tự chủ, sẽ giảm đáng kể khối đơn vị sự nghiệp đang rất lớn. Các trường, bệnh viện đều có thể tự chủ, không nhờ ngân sách nữa. Với CBCC của cơ quan hành chính Nhà nước, kể cả cơ quan đảng cũng cần được tinh giản.

Hiện nay, tới 65 - 70% thu nhập quốc dân chi cho thường xuyên, nên nếu tăng lương mà không giảm đội ngũ thì có khi cả 100% phải chi cho thường xuyên, cho lương. Điều này không thể chấp nhận. Cần giảm xuống 40 - 50% mà vẫn tăng được lương.

Muốn vậy, phải giảm được đội ngũ ăn lương từ ngân sách, sau đó mới có cơ sở tăng lương. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội có bộ máy rất cồng kềnh, thì việc tinh giản càng đòi hỏi mạnh mẽ và đã làm rồi thì phải quyết liệt hơn.

Trước hết, nội bộ mỗi cơ quan cần xác định được VTVL, cơ cấu công chức rất chuẩn song song với sắp xếp lại tổ chức bộ máy (nhập lại, giảm đi, chuyển sang xã hội hóa, chuyển thành DN, tự chủ…). Đồng thời thay đổi cơ chế quản lý tài chính, xác định chức năng nhiệm vụ cho chuẩn, đỡ chồng chéo, sau đó mới tăng được lương. Những khâu này luôn phải gắn liền với nhau.

Tôi được biết TP vừa thu gọn đầu mối nhiều BQL dự án; tới đây sẽ chuyển tự chủ các trường đại học, nơi nào chuyển được sang DN thì chuyển; các DN công ích, đơn vị sự nghiệp cũng phải ít đi… Tinh giản đội ngũ, tổ chức lại bộ máy chính là để tăng hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị và có điều kiện để tăng lương, nên đó là điều kiện bắt buộc.

Tất nhiên, tinh giản đội ngũ phải phù hợp, không thể cứ cắt cơ giới đến lúc không còn người làm việc, mà phải đúng lộ trình 10% đến 2021. Vì thế, càng phải thấy việc xác định VTVL rất quan trọng.

Như trong một sở, khi xác định xong các VTVL, khối lượng công việc thế nào rồi, thì sẽ tính được chỉ cần bao nhiêu công chức. Có thể một người đảm nhiệm nhiều VTVL hoặc một vị trí có nhiều người làm; cần xác định rất khoa học.

Xin cảm ơn ông! 

Theo Linh Nguyên/Báo Kinh tế đô thị