Quảng Ngãi: Giai đoạn 2016-2020 giải quyết việc làm cho 181.000 lao động

Quốc Triều

(Dân trí) - Qua 5 năm thực hiện chương trình việc làm, tỉnh Quảng Ngãi giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho gần 181.000 lao động, đạt 90% kế hoạch đề ra.

Việc triển khai thực hiện chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Ngãi gặp một số khó khăn nhất định. Đặc biệt là trong năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Do đó, kết quả thực hiện chương trình việc làm chưa đạt 100% kế hoạch đề ra.

Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho gần 181.000 lao động, đạt 90% kế hoạch. Trong đó có 7.466 lượt người đi làm việc ở nước ngoài. 

Quảng Ngãi:  Giai đoạn 2016-2020 giải quyết việc làm cho 181.000 lao động - 1
Thực hiện chương trình việc làm giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho gần 181.000 lao động.

Qua 5 năm thực hiện chương trình việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 45% vào năm 2015 lên 55% vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,8% năm 2015 xuống còn 3,5% năm 2020; tỷ lệ sử dụng lao động ở khu vực nông thôn từ 85% năm 2015 tăng lên 86% năm 2020.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 116 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương và phiên cố định thu hút 136.555 lượt người tham gia. Qua đó có gần 30.000 người lao động tìm được việc làm.

Theo ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm trong và ngoài nước.

Quản lý, điều tiết cung - cầu lao động trên thị trường; chú trọng công tác dự báo, cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực.

Việc xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa về cung cầu lao động cũng sẽ được chú trọng thực hiện. Đồng thời tăng cường khả năng gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo.

Lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề từ các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình Nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.