1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Bình: Báo động tình trạng tai nạn lao động gia tăng tại các mỏ đá

(Dân trí) - Tình trạng an toàn trong khai thác mỏ đá đang là vấn đề đáng báo động ở Quảng Bình, khi mà số vụ tai nạn ngày càng gia tăng. Tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn lao động và việc trang bị bảo hộ cho công nhân tại các mỏ đá vẫn chưa được chú trọng.

Tai nạn luôn rình rập

Trên địa bàn Quảng Bình hiện có gần 40 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Ninh. Là nơi làm việc của hàng ngàn lao động, thế nhưng nhiều mỏ đá hiện nay vẫn không chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn, nhiều đơn vị còn tìm cách “luồn lách”, đối phó, khiến nguy cơ mất an toàn tại các mỏ đá luôn ở mức báo động.

Tại Quảng Bình hiện có gần 40 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá.
Tại Quảng Bình hiện có gần 40 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá.

Có mặt tại mỏ đá Rào Trù (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi mới thấy rõ sự thiếu trách nhiệm của đơn vị khai thác cũng như chủ quan của người lao động khi “đánh đu” với tính mạng của bản thân.

Ghi nhận của PV tại mỏ đá Rào Trù, hoạt động khai thác vẫn đang diễn ra rầm rộ, phía dưới mỏ, hàng chục công nhân đầu trần, chân đất cùng các phương tiện đang hì hục chế biến đá, xử lý đá để vận chuyển. Phía trên, một nhóm công nhân đang đu mình lên một vách núi cheo leo để khoan đặt mìn.

Nguy hiểm là vậy nhưng hầu như nhóm người này gần như không được trang bị gì, ngoài vài sợi dây thừng.

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, hai vụ tai nạn lao động đã khiến hai công nhân tử vong tại mỏ đá Rào Trù. Cả hai người này đều do không được trang bị bảo hộ lao động, khi leo lên vách núi khoan nhồi thuốc nổ đã rơi xuống đất.

Công tác bảo hộ sơ sài của một nhóm công nhân đang khoan nhồi mìn tại mỏ đá
Công tác bảo hộ sơ sài của một nhóm công nhân đang khoan nhồi mìn tại mỏ đá

Không chỉ tại mỏ đá Rào Trù, nhiều mỏ đá khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Nguy cơ tai nạn luôn rình rập, đe dọa mạng sống của nhiều lao động đang làm việc tại các mỏ đá.

Tại 2 mỏ đá Lèn Na và Lèn Bảng thuộc Xí nghiệp Cosevco 12 đóng tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa trong 4 năm trở lại đây cũng đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động, đặc biệt trong đó có 3 tử vong, 2 người bị thương.

Mỏ đá đảm bảo ATLĐ chỉ... “đếm trên đầu ngón tay”

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Bình, từ năm 2014 đến nay, cả tỉnh đã có 8 vụ tai nạn lao động ở các mỏ đá, khiến 6 công nhân tử vong và nhiều người khác bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp khai thác đá chưa chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn.

Trong số 38 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá thì số đơn vị hội đủ các yếu tố, điều kiện an toàn chỉ đếm trên “đầu ngón tay”.
Trong số 38 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá thì số đơn vị hội đủ các yếu tố, điều kiện an toàn chỉ đếm trên “đầu ngón tay”.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Xuân Toản, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình khẳng định, trong số 38 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá thì số đơn vị hội đủ các yếu tố, điều kiện an toàn chỉ đếm trên “đầu ngón tay”. Trong khi và so với các lĩnh vực khai thác khoáng sản khác, khai thác đá có nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động cao nhất.

“Chúng tôi cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng do lực lượng mỏng nên chưa được sát sao. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn đối phó, không chấp hành công tác đảm bảo an toàn lao động, hoặc chỉ thực hiện được một phần. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giải quyết triệt để vấn đề nói trên”, ông Toản nói.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động là do kỹ thuật và phương pháp khai thác tại mỏ đá.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động là do kỹ thuật và phương pháp khai thác tại mỏ đá.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động là do kỹ thuật và phương pháp khai thác tại mỏ đá. Thay vì khai thác theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta-luy và bóc lớp đất phủ bì thì hầu hết các doanh nghiệp đều khai thác theo kiểu khoan nhồi nổ mìn vào mái sườn đồi để lấy đá.

Quy trình khai thác “bổ dọc” thay vì “cắt ngang” như hiện nay hoàn toàn không đúng với quy định khai thác đá. Điều này dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động rất cao. Nếu xử lý đúng theo các quy định, hầu hết các mỏ đá được cấp phép hiện nay đều vi phạm.

Đặng Tài