Tổ chức ILO:
Quản trị tốt di cư lao động sẽ giảm tình trạng mua bán người
(Dân trí) - Nhân Ngày thế giới phòng chống mua bán người (30/7), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nhấn mạnh mối liên quan giữa lao động di cư, lệ thuộc vì nợ và buôn bán người, đồng thời kêu gọi tiếp tục nỗ lực nhằm tăng cường quản trị di cư lao động và giảm thiểu bóc lột lao động.
Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, hiện tồn tại những thách thức lớn trong quản lý nhằm đảm bảo việc làm thỏa đáng cho người lao động di cư, đặc biệt là tại các quốc gia không có pháp luật đầy đủ bảo vệ quyền lao động cho họ.
“Trong nhiều trường hợp, người lao động Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận quyền của mình tại nơi làm việc. Các khoản nợ do phí và lệ phí di cư lao động quá cao có thể là trở ngại khiến người lao động không dám rời bỏ nơi làm việc có yếu tố bóc lột và bạo lực” - ông Chang-Hee Lee phân tích.
Theo ILO, đa số các khoản phí và chi phí cao lại có thể khiến người lao động tìm kiếm các công việc được trả lương cao hơn trong thời gian ở quốc gia đến làm việc, để họ có cơ hội trả nợ.
Thông thường, việc thay đổi công việc tại quốc gia tiếp nhận là không khả thi, nên người lao động liều lĩnh chấp nhận trở thành lao động di cư không có giấy tờ hợp pháp.
Một nghiên cứu do ILO và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tiến hành vào năm 2017 cũng cho thấy, người lao động Việt Nam trở về từ Malaysia và Thái Lan đã phải trả phí xuất khẩu lao động cao hơn so các quốc gia khác trong khu vực. Người lao động Việt Nam cũng phải vay nợ nhiều nhất và cần nhiều thời gian nhất - tới 11 tháng - để trả hết các khoản nợ của mình.
“Những khoản nợ này khiến người lao động Việt Nam dễ trở thành nạn nân của nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức. Do những người có mưu toan lạm dụng, bóc lột hoặc lừa đảo lợi dụng điều đó để thao túng người lao động” - Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết.
Cũng nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng 76% lao động di cư Việt Nam bị lạm dụng quyền lao động của mình trong thời gian làm việc tại Malaysia và Thái Lan.
Đây là vấn đề nan giải do khả năng tiếp cận của người lao động Việt Nam tới cơ chế khiếu nại, giải quyết đền bù tại Việt Nam và quốc gia điểm đến còn hạn chế, khiến cho việc phát hiện các trường hợp lao động cưỡng bức hoặc buôn bán người trở nên khó khăn.
“Để bảo vệ người lao động không bị lạm dụng và lừa đảo trong quá trình tuyển dụng và để giảm chi phí di cư lao động, Chính phủ Việt Nam, các công ty tuyển dụng và công đoàn cần tiếp tục nỗ lực nhằm cải thiện hệ thống quản trị di cư lao động”, TS Lee nói thêm.
Phân tích mối quan hệ giữa việc đi XKLĐ và tình trạng mua bán người, đại diện ILO tại VN cho biết: Mặc dù đi làm việc ở nước ngoài có nhiều tác động tích cực đối với các cá nhân, cộng đồng, quốc gia phái cử và tiếp nhận, nhưng người lao động di cư vẫn có thể gặp phải rủi ro bị bóc lột, bao gồm lao động cưỡng bức và buôn bán người.
Tình trạng này một phần do các khoản chi phí di cư lao động cao và những thách thức trong triển khai các biện pháp bảo vệ.
Số lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang tăng đều đặn.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2007 - 2017, cả nước đã có hơn 1 triệu lao động làm việc ở nước ngoài, trung bình mỗi năm có 93.000 người xuất cảnh. Khoảng 1/3 trong số đó là phụ nữ và tỉ lệ lao động di cư là nữ vẫn đang tăng lên. Theo ước tính của Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động Việt Nam gửi về là 2,5 - 3 tỉ USD.
Tuy nhiên những số liệu này chỉ cho thấy tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài mà không nắm bắt được các trường hợp di cư lao động không theo các kênh chính thức.
Lao động di cư Việt Nam chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và ngư nghiệp. Đó là những công việc thường chỉ đòi hỏi một vài kỹ năng cơ bản.
Trong số các nghề này, nghề giúp việc gia đình và đánh bắt cá được xem là dễ tổn thương nhất, do nơi làm việc bị cô lập và thường xuyên thiếu các biện pháp bảo vệ đầy đủ về mặt pháp lý.
Nhiều nỗ lực
Cũng trong thông cáo, ILO cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập khung pháp lý nhằm phòng chống bóc lột lao động và mua bán người trong bối cảnh di cư lao động thông qua việc xây dựng Luật Người lao động Việt Nam ở Nước ngoài năm 2006, Luật Phòng chống buôn bán người năm 2011, và sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Bộ Quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo tuyển dụng có trách nhiệm và đạo tức được Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam xây dựng năm 2010 và cập nhật năm 2018, cũng như các Trung tâm Tư vấn hỗ trợ lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã giúp tăng cường việc tiếp cận thông tin và công lý cho người lao động…" - ông Chang-Hee Lee cho biết.
Hoàng Mạnh