Tôi phải ứng xử với 2 phó phòng ra sao để “trong ấm - ngoài yên”?

(Dân trí) - Tôi đang gặp tình huống khó xử với 2 phó phòng. Một người từng thân tình nhưng ngày càng đòi hỏi quá đáng. Một người làm được việc và chỉ thuần về chuyên môn. Sự cạnh tranh không minh bạch, nguy cơ mất đoàn kết buộc tôi phải ra quyết định ngay trong tháng 4 này.


Tôi thực sự cần 1 lời khuyên về ứng xử nhân sự. (Ảnh minh họa).

Tôi thực sự cần 1 lời khuyên về ứng xử nhân sự. (Ảnh minh họa).

Cách đây 2 năm, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kinh doanh của một công ty thương mại tại Hà Nội. Chỉ một thời gian ngắn, tôi được lãnh đạo Cty cử thêm Tuấn - phó phòng mới về làm việc.

Vì công việc chung và đều có kinh nghiệm hơn 10 năm đi làm, chúng tôi hiểu phải hòa nhập để có thể làm việc tốt hơn. Bởi vậy, tôi và Tuấn có quan hệ công việc khá tốt. Tuấn cũng quan tâm tới tôi và gia đình trong những dịp lễ, Tết. Người nhà tôi ốm đau hoặc đi viện, Tuấn đều chu đáo thăm nom.

Trong thâm tâm, tôi có phần nào cảm mến Tuấn. Sự việc sẽ tốt đẹp như vậy, nếu lãnh đạo Cty không điều thêm 1 phó mới.

Đầu năm 2016, lãnh đạo Cty bổ sung Minh - người có kinh nghiệm trong quan hệ đối ngoại và giỏi ngoại ngữ về làm phó phòng. Nhận định ban đầu sau 3 tháng làm việc, Minh khá xông xáo và đóng góp được hiệu quả cho hoạt động của phòng.

Về quan hệ cá nhân, Minh chưa tỏ thái độ quá vồn vã với tôi và anh em. Tôi quan sát và cho rằng như thế tạm ổn. Còn vui gì hơn khi nhân sự cấp dưới yêu nghề và máu lửa. Dù họ có thể đôi chỗ chưa hoàn thiện trong công việc nhưng tổng thể là chấp nhận được.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh lại ở Tuấn - người phó phòng mà tôi từng yên tâm. Những ngày gần đây, Tuấn tỏ thái độ khó chịu với Minh rõ rệt. Ban đầu, Tuấn gặp tôi phàn nàn về thái độ của Minh là kênh kiệu và xa cách anh em trong phòng. Hơn thế nữa, Tuấn còn cho rằng Minh được lãnh đạo Cty ưu ái chứ kết quả hoạt động không có gì mới.

Tôi đã lắng nghe những tâm sự của Tuấn và cố gắng tìm những điểm đồng thuận khi nhìn nhận về Minh. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng Minh kênh kiệu, năng lực hạn chế thì tôi không đồng tình.

Với kinh nghiệm, tôi cũng hiểu phần nào hiểu tâm lý của Tuấn. Khi có 1 vị trí ngang hàng - tất yếu tạo sức ép cạnh tranh. Nhưng hiện nay, Minh thể hiện là một người biết điều. Thậm chí, Minh còn là ít đầu tư trong quan hệ. Với tôi, công việc và quan hệ nên cân bằng và cần đặt đúng vị trí.

Nhưng Tuấn dường như không hiểu. Không chỉ đưa quan điểm sai về đồng nghiệp, Tuấn còn gợi ý tôi nên điều chuyển hay giao thêm cho Minh công việc không liên quan để “thử sức”. Đương nhiên, tôi có thể lắng nghe nhưng đồng ý thì chưa thể được ngay. Tôi phải cân đối được hơn trong quyết định nhân sự vì hiệu quả hoạt động của phòng.

Không tác động được, Tuấn bày tỏ thái độ bất mãn. Tôi đã nghe được phản ánh của một số người rằng Tuấn chê bai tôi trong ứng xử. Tôi đã bỏ ngoài tai.

Nhưng tôi đã phải suy nghĩ lại về điều này.

Trong cuộc họp Cty tuần qua, Tuấn đột nhiên bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất của phòng ngay trước cuộc họp của Cty. Chưa hết, Tuấn còn phát biểu mong muốn chuyển sang phòng khác làm việc để phù hợp với bản thân.

Tôi đã thực sự sốc với lối ứng xử bất ngờ của Tuấn. Việc bày tỏ của Tuấn chứng tỏ tôi không hiểu Tuấn. Chưa kể việc lãnh đạo Cty đang đặt vấn đề với tôi về công tác quản trị của phòng.

Ngay tới lúc này, tôi vẫn thực sự mong Tuấn hiểu và trở về đúng vị trí. Thậm chí với Minh, tôi cũng không kỳ vọng lớn. Trong khi đó, “tức nước vỡ bờ”, Minh cũng bắt đầu tự “xù lông” với Tuấn để phản ứng lại những điều đã làm.

Nguy cơ mất đoàn kết nội bộ, sự mất lòng tin giữa lãnh đạo và nhân viên. Chưa kể uy tín cá nhân của tôi bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề tôi phải đối diện.

Tôi thực sự bối rối và cần sự tư vấn của các bạn

Trần Văn Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội)