Quán chuối nướng trong hẻm Sài Gòn thu chục triệu đồng/ngày

Theo lời bà con sống gần quán, hơn 20 năm trước, ngay lề đường, có một người phụ nữ bán bánh tráng nướng. Một ngày, người em của chị mang ra khoảng 20 trái chuối nếp bọc lá để nướng nhờ cho con ăn...

Ở Sài Gòn, món chuối nếp nướng là một món ăn rất phổ biến. Một trái chuối sứ chín được lột vỏ, bọc bên ngoài lớp nếp rồi nướng lên, ăn với nước cốt dừa. Chúng tôi gặp nhiều quán bán món ăn này nhưng chưa gặp nơi nào có lượng khách nhiều như quán ở đầu hẻm 378 Võ Văn Tần (phường 5, quận 3, TP.HCM). Mở cửa từ 7 giờ sáng đến 21 giờ 30 đêm, quán luôn là điểm đến của những người thích món ăn dân dã.

Theo lời bà con sống gần quán, hơn 20 năm trước, ngay lề đường, có một người phụ nữ bán bánh tráng nướng. Một ngày, người em của chị mang ra khoảng 20 trái chuối nếp bọc lá để nướng nhờ cho con ăn.

Mùi thơm từ chuối nướng tỏa ra, người đi đường ghé lại mua thử vài trái để ăn. Ban đầu không định bán nhưng nghe những lời thuyết phục, chị bán sạch số chuối em gái mang ra nướng nhờ.

Quán chuối nếp nướng Võ Văn Tần
Quán chuối nếp nướng Võ Văn Tần

Ngày hôm sau, chị mang thêm 30 trái với ý định sẽ bán 20 còn lại 10 trái dành cho con ăn nhưng cũng không được. Số chuối nướng đến đâu có người mua đến đó. Ý định chính thức bán chuối nướng manh nha trong đầu chị...

Chị bắt đầu làm khoảng 3kg nếp mỗi ngày nhưng ngày nào cũng thiếu bởi khách hàng tranh nhau mua. Có hôm, những người đến trễ không còn hàng để bán, họ đành buồn bã quay về.

Cuối cùng chị chính thức bán chuối nếp nướng. Quầy hàng của chị nhỏ và thời gian bán cũng ít, không hôm nào thỏa mãn hết nhu cầu của khách. Chị quyết định thuê gian hàng để bán nguyên ngày.

Chuối được bọc một lớp xôi nấu với dừa nạo, quấn trong lá và đem lên bếp nướng.
Chuối được bọc một lớp xôi nấu với dừa nạo, quấn trong lá và đem lên bếp nướng.

Chị là Nguyễn Thị Thu Mai (62 tuổi), chủ quán chuối nếp nướng Võ Văn Tần. Chị kể cho chúng tôi nghe, hiện nay để quán có thể bán suốt ngày, chị phải sử dụng đến 12 người làm tại quán và 3 người làm tại nhà. Ở quán, mỗi ca 3 người, trong đó, 2 người nướng và 1 người bán mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách.

Nguyên liệu chính để tạo nên món chuối nếp phải là chuối sứ vừa chín tới. Nếp được trộn với dừa nạo - để vừa béo vừa không dính lá - nấu lên thành xôi. Xôi được xới ra, bọc xung quanh trái chuối. Trái chuối đã được bọc nếp tiếp tục được quấn thêm một lớp lá chuối bên ngoài.

Món chuối nếp nướng sẽ giảm 50% giá trị nếu không ăn với nước cốt dừa, thêm một tí muối đậu phộng. Nước cốt dừa được nấu chung với bột gạo và lá dứa vừa thơm vừa béo. Chị Mai cho biết thêm, nước cốt dừa chỉ có thể để khoảng 6 giờ trong điều kiện bình thường.

Món ăn dân dã nhưng hút khách
Món ăn dân dã nhưng hút khách

Vì thế có nhiều người cho thêm bột bán vào nước dừa nhưng mấy ai biết trong bột bán có hóa chất giữ cho nước dừa không thiu.

Chị Mai nói tiếp: "Ngay cả với lá chuối, chúng tôi chỉ dùng lá chuối sứ có xuất xứ từ miền Tây vừa sạch vừa mềm. Lá chuối hột từ Long Khánh (Đồng Nai) đưa về mang nhiều đất đỏ và rất cứng nên không được sử dụng".

Thêm một lò nướng khác liên tục hoat động vẫn không có hàng tồn.
Thêm một lò nướng khác liên tục hoat động vẫn không có hàng tồn.

Hiện nay, mỗi ngày chị Mai sử dụng khoảng 70kg nếp, 60kg dừa để có được hơn 1.000 trái chuối nướng bán cho khách. Với giá 15.000 đồng/trái chuối nướng, quán của chị có doanh thu trên dưới 15 triệu đồng/ngày.

Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet.vn