Phú Yên: Thầy giáo trường nghề sáng chế máy trợ thở
(Dân trí) - Sản phẩm của thầy Nghi là máy trợ thở không xâm nhập, hỗ trợ người khó thở do bệnh tật hoặc ngạt thở. Thầy Nghi đang nghiên cứu phát triển thành máy thở xâm nhập để hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Văn Sỹ Nghi - Giảng viên trường Cao đẳng nghề Phú Yên - cho biết, xuất phát từ việc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên nhiều đơn vị bệnh viện lo thiếu máy thở cho các bệnh nhân.
Từ lý do đó, thầy Nghi và đồng nghiệp mong muốn góp một phần công sức để cùng chung tay với cộng đồng chống dịch. Chiếc máy thở với phiên bản ban đầu ra đời từ ý tưởng đó.
Khi bắt tay vào công việc, thầy Nghi luôn hiểu, muốn làm máy thở phải tham khảo các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành cùng tài liệu của ngành y.
Thầy Nghi trực tiếp đến học hỏi, tham khảo các ý kiến của các bác sĩ làm việc ở Khoa cấp cứu, khoa Hồi sức của bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và mượn sách chuyên ngành để đọc nghiên cứu.
Vào tháng 7/2020, thầy Nghi bắt tay vào thực hiện công việc chế tạo máy trợ thở. Với nhiều nỗ lực, đêm nghĩ ngày làm, sau 1 tháng thử nghiệm, lắp ráp “đứa con tinh thần” máy trợ thở của thầy Nghi được cho ra đời và dần hoạt động ổn định.
Chiếc máy có kích thước 18x25x30cm, trọng lượng 4kg. Vì nhỏ, gọn nên máy dễ dàng vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tốc độ bóp của máy giao động từ 17-23 lần/phút tùy theo mức độ cần oxy của người bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
“Bên trong máy có một môtơ điện dùng nguồn thấp chỉ 12V kéo bánh răng làm 2 “cánh tay” phía trên bóp bóng Ambu theo lập trình được tôi viết ra. Nguồn điện của máy chỉ ở mức 12V. Do đó, các đơn vị dùng máy này có thể sử dụng pin viên, bình ắc-quy để máy hoạt động nếu chẳng may điện bị cúp" - thầy Nghi giới thiệu cơ bản chiếc máy thở của mình.
Máy thở của thầy Nghi hiện tại chỉ phù hợp với các bệnh nhân khó thở do bệnh tật, tuổi già hoặc các trường hợp bị ức chế thần kinh như rắn cắn, đuối nước không tự thở được thì mới dùng máy này.
“Bình thường, nếu một bệnh nhân không tự thở được, sẽ có 1 cô y tá đến để bóp bóng Ambu giúp đưa khí oxy vào phổi, việc làm này thường không đảm bảo tính chính xác và mất đi 1 nhân lực. Khi có chiếc máy của tôi thì cô tá sẽ rảnh ta, giúp công tác sơ cứu được tốt hơn, từ đó mà các bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn” - thầy Nghi nói.
Theo thầy Nghi, giá thành của một chiếc máy trợ thở không xâm nhập là từ 2 đến 2,5 triệu đồng tùy chất liệu sử dụng để làm vỏ máy (chất liệu nhựa cứng hoặc nhựa trong suốt).
Theo bác sĩ Chung: Trường hợp khi bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, không có máy thở thì người nhà hay được yêu cầu là bóp bóng qua nội khí quản. Lúc này chiếc máy cũng có thể thay thế cho việc bóp bóng thủ công.
Nếu sản xuất số lượng lớn, nhập được các nguyên liệu gốc thì chiếc máy thành phẩm ước chừng khoảng trên 1,5 triệu đồng.
Là người đã xem, kiểm tra, máy trợ thở của thầy Nghi, bác sĩ Đoàn Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Phú Yên đánh giá: Máy trợ thở do thầy Nghi làm ra là ý tưởng rất hay. Máy này rất thuận lợi khi dùng cho cấp cứu bên ngoài bệnh viện.
“Ý tưởng và quá trình thực hiện máy trợ thở của thầy Nghi là rất tốt. Theo tôi, loại máy này sẽ rất thuận lợi khi dùng cho cấp cứu bên ngoài bệnh viện. Ví dụ như tại các trung tâm thể dục, thể thao có người đuối sức, đuối nước không thể tự thở được. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ gắn máy trợ thở vào để bệnh nhân được cung cấp oxy” - bác sĩ Chung cho hay.
Đồng thời, nhân viên y tế sẽ thực hiện xoa bóp tim, đây là các bước căn bản quyết định rất lớn để việc sống còn của bệnh nhân.
Với những kết quả đạt được ban đầu, thầy Nghi đang tích cực nghiên cứu để hoàn thiện máy trợ thở và hướng tới phát triển thành máy trợ thở xâm nhập. Điều này được Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng nghề Phú Yên quan tâm hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Yên, cho biết: "Hướng sắp tới, nhà trường sẽ liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ cũng như Sở Y tế tỉnh Phú Yên để có đánh giá, thẩm định hiệu quả của máy".
Bên cạnh đó, trường sẽ hỗ trợ về mặt kinh phí và kêu gọi một số đơn vị giúp đỡ về mặt kỹ thuật để thầy Văn Sỹ Nghi hoàn thiện sản phẩm.
“Mục đích cuối cùng của thầy Nghi và nhà trường là mong muốn đưa sản phẩm hữu ích này phục vụ cộng đồng” - ông Nhất nói.