Phú Yên: Trồng cây cho quả thơm “nức mũi”…thu 200 triệu đồng/năm

Trung Thi

(Dân trí) - Trồng cây mít trên vùng đất khô cằn, sỏi đá ông Huỳnh Văn Tánh thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa, Phú Yên) “bỏ túi” mỗi năm 200 triệu đồng.

Theo chương trình PAM - phát triển kinh tế mới của tỉnh Phú Yên vào những năm 1986 -1987, ông Huỳnh Văn Tánh (SN 1954) và nhiều người dân khác đến vùng đất thôn Lỗ Chài và thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, Phú Yên) để khai hoang trồng rừng bạch đàn.

Sau một thời gian theo dõi, ông Tấnh nhận thấy cây bạch đàn nơi đây phát triển chậm và kém hiệu quả về kinh tế. Ông Tánh chuyển qua trồng các loại cây ăn quả như xoài, cam, quýt…Bước đầu các loại cây đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng chỉ được một thời gian, cây đổ bệnh hàng loạt, gây thua lỗ nặng.

Phú Yên: Trồng cây cho quả thơm “nức mũi”…thu 200 triệu đồng/năm - 1

Ông Tánh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mít ở vùng đất khô cằn, đến nay đem lại hiệu quả kinh tế cao

Không nản chí, ông tiếp tục nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm ở những buổi tập huấn trồng cây ăn trái do địa phương tổ chức…đến những năm 2005 thì ông bắt tay vào trồng mít.

Ban đầu, ông chủ yếu mua các giống mít ta ở địa phương, sau 3 năm vun trồng, cây mít phát triển tốt và cho ra năng suất cao ở vùng đất cằn cỗi này.

“Lúc đầu tôi trồng khoảng 20 cây mít ta thôi, mỗi cây cho ra khoảng 70 trái/năm (trái từ 2 - 4kg), giá mít khoảng 15.000 đồng/kg. Thì mỗi năm như vậy, trừ chi phí tôi thu khoản 2 triệu đồng/cây” - ông Tánh cho hay.

Phú Yên: Trồng cây cho quả thơm “nức mũi”…thu 200 triệu đồng/năm - 2

Ông Tánh bên cây mít Thái siêu sớm 3 năm tuổi của gia đình

Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng mít cao, ông Tánh quyết định đầu tư mua các giống mít Thái như siêu sớm, hạt lép, không hạt, vàng nghệ, ruột đỏ, lá bàng…để trồng trên diện tích đất 1 hecta của gia đình.

Chia sẻ về quy cách trồng, ông Tánh cho biết, cứ mỗi gốc mít ít nhất phải trồng trên diện tích gần 54m2 (7m3 x 7m3) thì mới đủ để tán cây mít phát triển. Khi trồng phải trồng thẳng hàng để dễ dàng cho việc chăm sóc, tưới nước, bón phân...

Theo ông Tánh, so với việc chăm sóc giữa các loại cây ăn quả với nhau thì cây mít dễ chăm hơn rất nhiều.

Phú Yên: Trồng cây cho quả thơm “nức mũi”…thu 200 triệu đồng/năm - 3

Khi cây mít còn nhỏ ông Tánh trồng xen canh các cây ngắn ngày như đu đủ, chuối...để "lấy ngắn, nuôi dài"

“Mỗi năm mình bón 3 lần phân thúc vào các thời điểm cây chuẩn bị kết trái để cho năng suất quả cao, nước thì cũng tưới chừng mực, không cần phải tưới thường xuyên. Đặc biệt, cây mít rất ít bị sâu bệnh nên trong quá trình chăm sóc dễ dàng hơn nhiều” - ông Tánh đánh giá.

Nói về lợi nhuận của việc trồng mít, ông Tánh cho hay: “Đối với các giống mít Thái thì mình trồng khoảng 3 năm thì bắt đầu cho ra quả. Đến năm thứ 5 thì mỗi cây cho ra từ 150 - 200 trái/năm (trái từ 1 - 2kg). Tôi tính sơ sơ 1 năm, 1 hecta mít của gia đình cho trên dưới khoảng 36 tấn mít, 1kg có giá từ 10.000 - 20.000 đồng (tùy thời điểm) thì sau khi trừ chi phí “bèo” lắm gia đình tôi cũng bỏ túi được 200 triệu đồng/năm.”

Phú Yên: Trồng cây cho quả thơm “nức mũi”…thu 200 triệu đồng/năm - 4

Mít nhà ông Tánh được trồng thẳng hàng để dễ dàng cho việc chăm sóc, thu hoạch

Với những kết quả đạt được, hiện tại ông Tánh quyết định đầu tư trồng thêm 2 hecta các loại mít Thái siêu sớm, hạt lép, không hạt…

Nói về mô hình trồng mít ở địa phương, ông Phan Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc cho biết, trước đây vùng đất này rất khô cằn, trồng cây gì cũng cho hiệu quả kinh tế kém. May mắn ông Huỳnh Văn Tánh và một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mít, đến nay loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Diện tích trồng mít ở địa phương hiện ước khoảng 40ha, trong thời gian tới dự kiến cây mít và các loại cây ăn quả khác sẽ được trồng mở rộng vì hiệu quả kinh tế đem lại cao. Ngoài ra để nâng cao chất lượng và phát triển cây ăn quả bền vững, thời gian qua địa phương đã phối hợp cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chú trọng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.” - ông Đồng cho hay.