Phỏng vấn xin việc - trả lời sao cho khéo?
Có thể nói kỹ năng giao tiếp và diễn đạt là nội dung quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn, vì mục đích chính của nó là để các bên diễn đạt cho bên kia nghe về mình. Cách nói, nội dung diễn đạt của ứng viên vì thế phải bảo đảm sao cho người phỏng vấn hiểu đủ, hiểu đúng về mình.
Cách trả lời của ứng viên có các kiểu: trả lời thẳng câu hỏi hoặc... loanh quanh luẩn quẩn, khi thì quá nhiều, khi quá ít. Thông thường, cách tốt nhất là trả lời thẳng thắn với lượng thông tin không quá ít. Bạn nào có thói quen nói nhiều nên chọn lọc thông tin sao cho người nghe không... mệt lỗ tai.
Ngược lại, nếu với mỗi câu hỏi của người phỏng vấn, bạn đáp trả bằng đúng một câu… ngắn gọn, cuộc phỏng vấn có khả năng đi đến hồi kết thúc trước khi ta kịp thể hiện những ưu điểm phù hợp của ta nếu có.
Ngoài chuyện hỏi để ứng viên trả lời, người phỏng vấn cũng thường để ứng viên đặt câu hỏi. Phần nhiều ứng viên hỏi sau khi người phỏng vấn cho phép. Có ứng viên hầu như không có nhu cầu hỏi (!) nên khi người phỏng vấn đề nghị: “Anh/chị có câu hỏi nào không?”, chàng (nàng) cố nặn ra một hoặc vài câu hỏi cho có.
Ngược lại, một số ứng viên háo hức đặt câu hỏi xen kẽ những câu trả lời của mình. Nếu đó là những câu hỏi thông minh và thể hiện sự quan tâm, nhiệt tình của ứng viên với công việc dự tuyển, ứng viên đó dễ được đánh giá cao.
Chú ý:
Ngôn ngữ ở đây bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể cũng như giọng nói, cách phát âm. Một giọng nói rõ ràng, truyền cảm sẽ dễ gây thiện cảm với người phỏng vấn. Ngôn ngữ là một tiêu chí đánh giá đặc biệt quan trọng đối với những loại công việc giao tiếp nhiều.
Cuối cùng, nhà tuyển dụng sẽ tổng hợp từ tất cả những gì ứng viên thể hiện để đánh giá thái độ của ứng viên đối với công việc. Lòng nhiệt tình và sự chân thành của ứng viên là những yếu tố gây nên ấn tượng tốt. Đối với một số vị trí nhất định, một số nhà tuyển dụng còn xem trọng yếu tố thái độ hơn yếu tố kỹ năng.
Hãy là chính mình và thể hiện điều đó trong cuộc phỏng vấn.
Theo Tuệ Nương
Tuổi Trẻ