Tiếp xúc với nhà tuyển dụng: “Sắm sửa” những gì?
Trong quá trình dự tuyển một công việc, những ứng viên nào có hồ sơ phù hợp sẽ được nhà tuyển dụng mời đến. Giây phút “xem mắt” nhau đã đến. Nhà tuyển dụng thường “săm soi” ta gì đây?
Kiến thức, kỹ năng, tư duy logic
Ứng viên có thể được yêu cầu thực hiện những bài kiểm tra như: trắc nghiệm chỉ số thông minh, bài kiểm tra kỹ năng vi tính, bài dịch từ ngoại ngữ sang tiếng Việt và ngược lại, các bài kiểm tra (kỹ năng xử lý tình huống, năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức, nghiệp vụ hoặc những kiến thức chuyên ngành khác...) Tùy vị trí tuyển dụng và nơi dự tuyển, ứng viên có thể hoặc sẽ trải qua một vài loại kiểm tra nêu trên, hoặc có khi không có bài thi nào cả.
Quan trọng nhất, thậm chí quyết định việc “chung sống” là... ấn tượng từ khóe mắt!
Người phỏng vấn thường quan sát, đánh giá ứng viên điểm nào?
Diện mạo:
Diện mạo ở đây không phải là những chỉ số cơ thể như trong các cuộc thi sắc đẹp mà rộng hơn, “khó chịu” hơn nhiều, từ trang phục, đầu tóc, nụ cười, ánh mắt, tác phong và có khi là cả “hương gây mùi nhớ” của cơ thể và/hoặc hơi thở của ứng viên.
Khả năng kiểm soát sự căng thẳng:
Một ứng viên được đánh giá là bình tĩnh khi ứng viên đó có hơi thở đều đặn, giọng nói và bàn tay không run, nói năng không quá lí nhí, ánh mắt nhìn một cách tự nhiên vào người đối thoại. Một số chuyên viên lâu năm trong lĩnh vực tư vấn nhân sự cho biết một giọng nói quá lớn có khi lại là dấu hiệu của người đang cố gắng che giấu nỗi run sợ của mình.
Sự tự tin:
Khi trả lời phỏng vấn, rất nhiều ứng viên gật đầu khẳng định: “Vâng, tôi làm được việc đó”. Để lời khẳng định ấy thêm sức thuyết phục, bạn đặt dấu chấm câu ở đó là chưa đủ, mà nên có thêm những lập luận để giải thích vì sao bạn làm được.
Nếu sau lời khẳng định, ứng viên lại đuối lý khi người phỏng vấn đào sâu thêm câu hỏi, thì thà ứng viên thành thật từ đầu rằng: “Có lẽ đó là một việc thú vị, nhưng rất tiếc tôi chưa có kinh nghiệm nhiều lắm về nó. Tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn. Hiện giờ những gì tôi biết là thế này, thế kia…”.
Một sự tự tin được đánh giá cao là sự tự tin dựa trên cơ sở lường đúng sức mình, biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đôi khi một người tự tin thái quá (tự đánh giá mình cao hơn thực lực hiện có) hoặc một người tự tin giả tạo cũng có thể được nhận vào làm việc, nhưng trong quá trình công tác, nếu họ hiện nguyên hình là người “nói như rồng leo, làm như mèo mửa” thì sự ra đi của họ chỉ là vấn đề thời gian.
Theo Tuệ Nương
Tuổi Trẻ