1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lý lịch tự thuật: “thuật” thế nào nhỉ?

Lý lịch tự thuật là phần then chốt của bộ hồ sơ. Một bản lý lịch cần có những chi tiết sau:

Hình (kích thước khoảng 3x4cm): dán góc trên bên trái hoặc bên phải bản lý lịch.

Thông tin liên hệ: gồm họ tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại, email nếu có. Là người VN, tốt hơn hết nên ghi họ tên theo đúng thứ tự VN; việc đảo ngược tên trước họ sau có khi làm người đọc bối rối, không biết đâu là tên, đâu là họ. Số điện thoại nên ghi chú là số nhà riêng, cơ quan, di động, có phải nhờ nhắn không.

Vị trí dự tuyển (nếu đã xác định rõ) hoặc mục tiêu nghề nghiệp (nếu chưa xác định rõ vị trí, chỉ nêu mục tiêu để nhà tuyển dụng sắp xếp): mục tiêu nên ghi cụ thể để thấy được định hướng của ứng viên. Một câu đại loại như “muốn phát triển bản thân trong một công ty nước ngoài danh tiếng” vừa không thể hiện được một định hướng rõ ràng nào, vừa nhuốm vẻ... tâng bốc, dù có lẽ chẳng biết rõ công ty của họ thuộc lĩnh vực ngành nghề nào.

Quá trình học tập: nêu rõ niên khóa, tên trường, chuyên ngành nếu có, bằng cấp đạt được. Một người có nhiều bằng cử nhân trở lên không cần phải nêu tên trường cấp I, cấp II thuở nhỏ của mình. Không nên quên đề cập các khóa đào tạo đã tham gia ngoài học chính khóa - thường những khóa đào tạo là nơi cung cấp những kỹ năng rất thực tiễn và hữu ích.

Kinh nghiệm làm việc: nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ. Tuy chưa có kinh nghiệm gì để kể ra ở đây, bạn cũng có thể nhớ lại xem mình đã thực tập ở đâu, đã tham gia hoạt động ngoại khóa nào, có tham gia dự án nào trong thời gian đi học không...

Ngược lại với những bạn không có kinh nghiệm gì để nói là những bạn có quá nhiều để phô diễn do đã thay đổi công việc quá nhiều lần. Sự quá nhiều trong trường hợp này chưa chắc đã hay. Chỉ nên kể có chọn lọc những chỗ làm mới nhất, hoặc những nơi nào bạn đã làm việc với thành tích tốt nhất trong thời gian dài nhất với tính chất công việc liên quan nhiều nhất đến loại việc bạn đang dự tuyển.

Những nội dung cần đề cập là: ngày tháng bắt đầu, kết thúc công việc đã làm; tên công ty, ngành nghề hoạt động, mô tả công việc của bạn, thành tựu đạt được nếu có; mức lương khởi điểm và lúc nghỉ; lý do (muốn) thôi việc.

Một bộ hồ sơ đạt yêu cầu vẫn chưa đủ mà còn phải  “ấn tượng” hơn những hồ sơ khác.

 

Một ứng viên khôn ngoan là người biết tạo thuận lợi cho nhà tuyển dụng cũng như biết cách lôi kéo sự chú ý và thiện cảm của nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên - cái nhìn vào bộ hồ sơ dự tuyển.

Những kiến thức/kỹ năng: đây là nội dung bổ sung cho phần học vấn và kinh nghiệm làm việc. Nếu phần học vấn và kinh nghiệm nhắc đến những gì bạn đã kinh qua, thì phần kiến thức/kỹ năng sẽ nhấn mạnh những gì bạn gặt hái được. Bạn có thể liệt kê những kiến thức, kỹ năng mình thông thạo, hoặc nêu một số kỹ năng cần thiết rồi tự đánh giá theo thang điểm rất tốt/ tốt/khá/trung bình/ cần cải thiện thêm.

Thông tin cá nhân: bao gồm ngày tháng năm sinh, nơi sinh, số chứng minh nhân dân và ngày cấp, nơi cấp, sở thích cá nhân, các mối quan tâm...

Người chứng nhận: nếu có thể, bạn nên thêm nội dung này vào phần cuối lý lịch. Đây là nơi để bạn kể tên khoảng ba người biết rõ khả năng của bạn và có thể cho lời nhận xét về bạn trong trường hợp nhà tuyển dụng muốn thẩm tra. Có bạn “hồn nhiên” kể tên bạn mình. Nhiều bạn tỉnh bơ “tuyên bố” “sẽ cung cấp khi được yêu cầu”.

Cách ghi “hồn nhiên” thường không có giá trị tham khảo, ít ai tốn thời gian tham khảo một ý kiến mà mình không tin là khách quan. Cách ghi “hứa hẹn” thường không được nhiều nhà tuyển dụng ưa chuộng. Lý do là người ta thích sự chắc chắn và sẵn sàng hơn hứa hẹn, chờ đợi. Đôi khi nhà tuyển dụng còn cho rằng cách hứa hẹn như vậy là một kiểu... đối phó khi ứng viên không nghĩ ra người chứng nhận cho mình.

Theo Tuệ Nương
Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Hồ sơ xin việc