1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giám đốc TTDVVL Cà Mau:

"Phối hợp hỗ trợ lao động tìm việc, đưa đi làm an toàn, ổn định cuộc sống"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau phối hợp các tỉnh lập kế hoạch hỗ trợ người lao động tìm việc phù hợp, tổ chức đưa đến nơi làm việc an toàn, ổn định cuộc sống", bà Quách Thanh Thoảng chia sẻ.

Thông tin với PV Dân trí, bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) cho biết, số lao động làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương tính từ đầu năm 2021 đến nay là 58.863 người, trong đó thời điểm từ ngày 1/10 là 21.964 người.

Qua rà soát, lao động cơ bản tìm được việc làm và số lao động đã có dự kiến quay lại làm việc ngoài tỉnh là 20.352 người, gồm: Lao động đã tìm được việc làm ở địa phương là 6.417 người, lao động quay lại nơi làm việc trước đây là 8.759 người, người phát triển kinh tế hộ gia đình là 5.176 người... Hiện số lao động cần giải quyết việc làm là 16.385 người.

Phối hợp hỗ trợ lao động tìm việc, đưa đi làm an toàn, ổn định cuộc sống - 1

Vừa qua, đã có hàng ngàn người từ các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ về quê Cà Mau tránh dịch (Ảnh: CTV).

Theo bà Quách Thanh Thoảng, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm tình hình cụ thể lao động theo trình độ, nghề nghiệp, nhu cầu việc làm của những người trở về địa phương để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp như chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình...

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau và Sở LĐ-TB&XH về việc thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân trở về địa phương, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan viễn thông triển khai xây dựng website thông tin việc làm tỉnh Cà Mau tại địa chỉ: https://vieclam.camau.gov.vn trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

"Thông qua website này, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm sẽ tiếp cận được với doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh, thị trường lao động nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Thông tin về nhu cầu tuyển dụng sẽ được cập nhật thường xuyên để giúp người lao động có nhu cầu quay lại thị trường lao động, sớm tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống", bà Quách Thanh Thoảng thông tin.

Phối hợp hỗ trợ lao động tìm việc, đưa đi làm an toàn, ổn định cuộc sống - 2

Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ người lao động tìm việc phù hợp (Ảnh: CTV).

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, hiện các doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau có nhu cầu tuyển dụng hơn 4.400 lao động, chủ yếu là các công ty chế biến thủy sản. Các công ty tuyển lao động phổ thông, với mức lương trung bình khoảng 5 triệu đồng trở lên.

Các doanh nghiệp ngoài tỉnh tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Long An, Vĩnh Long,… đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 31.200 lao động, trong đó lao động phổ thông 23.300 người, lao động có tay nghề 7.900 người, với nhiều ngành nghề khác nhau.

Theo bà Quách Thanh Thoảng, UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch và Sở LĐ-TB&XH các tỉnh này cũng gửi văn bản đến các tỉnh, thành phối hợp hỗ trợ trong công tác thu hút, đưa đón người lao động trở lại làm việc.

"Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… lập kế hoạch tiếp nhận thông tin người lao động Cà Mau muốn quay trở lại các tỉnh làm việc, thực hiện công tác kết nối hỗ trợ và tổ chức đưa người lao động đến nơi làm việc an toàn", bà Quách Thanh Thoảng cho hay.

Phối hợp hỗ trợ lao động tìm việc, đưa đi làm an toàn, ổn định cuộc sống - 3

Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã phối hợp với một số tỉnh, thành ở miền Đông Nam bộ đón người lao động là công dân tỉnh này về quê an toàn (Ảnh: CTV).

Theo kế hoạch phối hợp đón người lao động trở lại làm việc của UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Nai, đối tượng là người lao động ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương, Đồng Nai làm việc (kể cả người lao động đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19).

Các chính sách ưu đãi cho người lao động từ các tỉnh, thành trở lại Bình Dương, Đồng Nai làm việc là được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những đối tượng chưa tiêm mũi một, cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn để đảm bảo đủ điều kiện khi trở lại các doanh nghiệp làm việc.

Với tỉnh Bình Dương, người lao động còn được các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông.

Còn với tỉnh Đồng Nai, trường hợp người lao động phải thuê phòng trọ mà chưa nhận hỗ trợ (theo Quyết định 4346 ngày 14/10/2021) trước khi về quê thì sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/người/lần (chưa bao gồm vợ, chồng, con nếu ở cùng phòng trọ).

Kế hoạch của 2 tỉnh cũng cho biết, hình thức tổ chức là doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức đón người lao động. Còn người lao động có nhu cầu trở lại Bình Dương, Đồng Nai làm việc thì chủ động liên hệ với đầu mối tại địa phương có thể thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH để đăng ký.

Sau đó, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành gửi danh sách về Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để thống nhất phương án hỗ trợ tiếp nhận người lao động.

Thời gian triển khai giai đoạn 1 của tỉnh Bình Dương đến ngày 20/11, ưu tiên cho người lao động đang làm việc theo hợp đồng ở các doanh nghiệp thực hiện tham gia sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường, 2 điểm đến", "3 xanh" trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.

Còn thời gian triển khai của tỉnh Đồng Nai đến ngày 30/11/2021.