1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Dương: Hơn 1 triệu lao động trở lại, vẫn cần 40.000 người dịp cuối năm

Xuân Hinh

(Dân trí) - Đến giữa tháng 11, hơn một triệu lao động ở Bình Dương sẽ trở lại làm việc. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn cần khoảng 40.000 lao động cho nhiều đơn hàng cuối năm ở các lĩnh vực giày da, dệt may.

Thiếu hụt lao động

Bình Dương: Hơn 1 triệu lao động trở lại, vẫn cần 40.000 người dịp cuối năm - 1

Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động trở lại làm việc.

Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để hồi phục kinh tế, trong đó trọng tâm ổn định nguồn lao động. Nhờ vậy, tỷ lệ người lao động rời Bình Dương đã giảm, phương án đón lao động trở lại cũng được nhiều doanh nghiệp tích cực triển khai.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.500 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", "một cung đường hai địa điểm", "3 xanh" với tổng số lao động làm việc trên 700.000 người (tỷ lệ 63% số lao động cuối tháng 4). So với tháng 9, các đơn vị trở lại hoạt động tăng 1.500 doanh nghiệ,p với gần 450.000 lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương Phạm Văn Tuyên, dự kiến đến giữa tháng 11, hơn một triệu lao động trên địa bàn sẽ trở lại làm việc (đạt khoảng 80%). Hiện, các doanh nghiệp chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu hụt người làm.

Bình Dương: Hơn 1 triệu lao động trở lại, vẫn cần 40.000 người dịp cuối năm - 2

Cuối năm, Bình Dương sẽ thiếu khoảng 40.000 lao động, chủ yếu ở các lĩnh vực giày da, may mặc, dịch vụ.

Theo khảo sát nhanh, cuối năm 2021 và đầu 2022, Bình Dương sẽ cần thêm khoảng 40.000 lao động để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như: giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ…

Do tình hình dịch bệnh, có khoảng 100.000 người lao động trên địa bàn có nguyện vọng và đủ điều kiện về quê. Tỉnh đã phối hợp đưa gần 12.000 người tại 26 tỉnh về theo nguyện vọng. Người dân có nguyện vọng về quê chủ yếu trước 10/10, đến nay đã giảm. Các doanh nghiệp đã thông báo đi làm trở lại nên nhiều người từ bỏ ý định rời Bình Dương.

Người lao động trở lại sẽ được địa phương ưu tiên tiêm vaccine, được doanh nghiệp tổ chức test nhanh kháng nguyên và cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm.

"Tỉnh khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp đưa lao động ở các nơi trở lại sớm nhất. Sau khi có danh sách, Bình Dương sẽ phối hợp với nơi người lao động cư trú để tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Người lao động có thể đăng ký với các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH ở nơi cư trú", ông Phạm Văn Tuyên thông tin.

Tăng lương, đẩy mạnh tuyển dụng online

Bình Dương: Hơn 1 triệu lao động trở lại, vẫn cần 40.000 người dịp cuối năm - 3

Nhiều biện pháp tăng lương, tăng phúc lợi xã hội đã được các doanh nghiệp ở Bình Dương triển khai để thu hút lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, tỉnh đang triển khai, hướng dẫn các đơn vị báo cáo kế hoạch sử dụng lao động cụ thể để thu hút. Thông báo và cam kết các chính sách về tiền lương, các chế độ phúc lợi để người lao động an tâm trở lại làm việc; cung cấp thông tin tuyển dụng đến tận xã, phường nơi họ cư trú để vận động trở lại.

Cùng với đó, tăng cường kết nối cung cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối thông qua các ứng dụng trực tuyến qua zalo "Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương", website: vieclambinhduong.vn … Trên website: vieclambinhduong.vn, có phần mềm chat tìm việc nhanh, người lao động có thể online trực tuyến với tư vấn viên của Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, kết nối với doanh nghiệp đang tuyển dụng.

"Chỉ cần người lao động có kết nối internet trên máy tính hoặc điện thoại…, có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến", ông Phạm Văn Tuyên cho biết.

Bình Dương: Hơn 1 triệu lao động trở lại, vẫn cần 40.000 người dịp cuối năm - 4

Bình Dương cũng đẩy mạnh phỏng sàn giao dịch online, phỏng vấn trực tuyến để kết nối doanh nghiệp và người lao động. 

Bên cạnh đó, Bình Dương thiết kế phần mềm chat tìm việc nhanh cũng trên website, người lao động có thể online trực tuyến với tư vấn viên của trung tâm để kết nối với doanh nghiệp phỏng vấn.

Bình Dương cũng đưa vào sử dụng trang zalo "Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương", hỗ trợ người lao động các thông tin về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nghề và việc làm. Lao động có thể đăng ký tìm việc trực tiếp trên trang zalo, trên cơ sở thông tin ứng viên tìm việc nhân viên Trung tâm DVVL tỉnh kết nối việc làm phù hợp, nhanh nhất.

"Đây là mô hình chuyên sâu, có sự kết hợp linh hoạt giữa các phòng chuyên môn của Trung tâm thành một khối liên kết nhằm đảm bảo việc phục vụ tốt nhất đến người lao động các thông tin thị trường lao động; tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, học nghề", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương giới thiệu.