Phó chủ tịch Bạc Liêu: Đảm bảo chính sách cho cán bộ xin nghỉ sau sắp xếp

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, đặc biệt là với những cán bộ xin nghỉ để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy", theo Phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của ngành nội vụ tỉnh Bạc Liêu ngày 9/1, ông Ngô Vũ Thăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt cho công tác sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy.

Trong đó ông yêu cầu Sở Nội vụ tỉnh tích cực, chủ động tham mưu hướng dẫn các đơn vị triển khai phương án sắp xếp đảm bảo không bị gián đoạn, không bỏ sót công việc, nhất là công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Theo Phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, một vấn đề quan trọng trong tinh gọn bộ máy là đảm bảo đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ sau khi sắp xếp.

"Trước mắt, ngành nội vụ xây dựng, trình cấp thẩm quyền triển khai có hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, đặc biệt là những cán bộ xin nghỉ để tạo điều kiện trong việc sắp xếp", ông Thăng yêu cầu.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đề nghị tập trung cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ; hoàn thiện việc đánh giá cán bộ dựa trên kết quả được giao, bằng những sản phẩm cụ thể, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Các ngành triển khai chính sách thu hút trọng dụng người tài vào làm việc tại khu vực công; nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Phó chủ tịch Bạc Liêu: Đảm bảo chính sách cho cán bộ xin nghỉ sau sắp xếp - 1

Cán bộ làm việc tại một cơ quan ở Bạc Liêu (Ảnh minh họa: CTV).

Theo phương án của tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH, hiện có 1 giám đốc, 3 phó giám đốc) và Sở Nội vụ (1 giám đốc, 3 phó giám đốc), thành Sở Nội vụ và Lao động. Phương án lãnh đạo sở mới giữ nguyên 4 lãnh đạo Sở Nội vụ và bổ sung thêm phó giám đốc để phụ trách nhiệm vụ được tiếp nhận từ Sở LĐ-TB&XH.

Sở Y tế (1 giám đốc, 3 phó giám đốc) tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TB&XH. Phương án lãnh đạo sở mới giữ nguyên 4 lãnh đạo Sở Y tế và bổ sung thêm phó giám đốc để phụ trách nhiệm vụ tiếp nhận.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT, 1 giám đốc, 3 phó giám đốc) tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH. Phương án lãnh đạo sở mới giữ nguyên 4 lãnh đạo Sở GD&ĐT và bổ sung thêm phó giám đốc để phụ trách nhiệm vụ được tiếp nhận.

Ban Dân tộc và Tôn giáo tiếp nhận nhiệm vụ về giảm nghèo từ Sở LĐ-TB&XH. Phương án lãnh đạo ban mới giữ nguyên 3 lãnh đạo của Ban.

Ngoài các sở trên, các sở sau khi được hợp nhất (chưa bố trí cụ thể lãnh đạo) gồm: Sở Kinh tế - Tài chính (hiện có 2 giám đốc, 4 phó giám đốc); Sở Xây dựng và Giao thông (2 giám đốc, 6 phó giám đốc); Sở Nông nghiệp và Môi trường (2 giám đốc, 6 phó giám đốc); Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông (2 giám đốc, 4 phó giám đốc).

Cơ cấu tổ chức các sở mới nêu trên có người đứng đầu (giám đốc) và cấp phó (các phó giám đốc, số lượng được thực hiện theo quy định). Việc điều động, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ lãnh đạo của sở mới, bao gồm số lượng cấp phó được thực hiện theo quy định.