Phó Chủ tịch Bạc Liêu: Quan trọng là tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo
(Dân trí) - Thời gian tới, Phó Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị ngành LĐ-TB&XH nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện tốt an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tổng kết công tác ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu năm 2020 vào chiều ngày 24/12, ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, cho biết, ngay từ đầu năm Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa triển khai kịp thời, toàn diện các chương trình, kế hoạch của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Bạc Liêu trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Trong đó, qua thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh đã có những giải pháp chỉ đạo kịp thời trong việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tuy nhiên, ngành vẫn còn nhiều khó khăn như nhu cầu việc làm trong tỉnh còn hạn chế nên đa số lao động được tư vấn, giới thiệu và tìm kiếm việc làm ở ngoài tỉnh rất nhiều; chất lượng, ngành nghề đào tạo từng lúc chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng nhiều, trong kkhi hệ thống các cơ sở của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về một số giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội;…
Chỉ đạo tổng kết của ngành LĐ-TB&XH tỉnh, ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, trong thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh có sự đóng góp của các cấp, các ngành, trong đó có ngành LĐ-TB&XH.
Triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Bạc Liêu đề nghị ngành nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề; nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm ổn định cho người lao động; thực hiện tốt công tác chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; đảm bảo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững;...
Trong công tác giảm nghèo, ông Vương Phương Nam lưu ý, cần xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, giảm nghèo hiệu quả, phù hợp trên từng địa bàn, đối tượng. Mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tay nghề cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động trong nước và xuất khẩu lao động.
Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đề nghị ngành tham mưu, quy hoạch, sắp xếp hợp lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; khuyến khích liên kết, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề và doanh nghiệp.
"Cần nắm rõ thực trạng dữ liệu cung - cầu thị trường lao động, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp đồng bộ hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động", Phó Chủ tịch Bạc Liêu yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu, năm 2020, tỉnh đã đào tạo nghề thông qua các hình thức hơn 34.500 người và học viên có việc làm trên 80%; số lao động được giải quyết việc làm hơn 20.900 người; đưa 160 lao động đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu Nhật Bản, Hàn Quốc); có hơn 39.000 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và trên 33.100 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết hơn 1.450 hồ sơ người có công.
Vận động quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội 120 tỷ đồng; cấp hơn 256.300 thẻ bảo hiểm y tế với số tiền trên 90,9 tỷ đồng; cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,47% và cận nghèo còn 2,33%; trợ cấp hàng tháng cho 28.530 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền trên 125 tỷ đồng; hơn 5.000 trẻ em khó khăn được trợ giúp;…
Ngành LĐ-TB&XH Bạc Liêu đặt ra chỉ tiêu năm 2021: Lao động qua đào tạo 14.000 người; giải quyết việc làm trong nước 18.500 người; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 300 người; tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm hàng năm theo tiêu chí mới; có 5.000 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp.