Phiên chợ cá "âm phủ" bán đặc sản mùa nước nổi ai thấy cũng ham
(Dân trí) - Chợ cá "âm phủ" ở An Giang họp chóng vánh vài tiếng vào ban đêm. Đây là phiên chợ cá đồng lớn và sôi nổi ở vùng biên giới khi hội tụ nhiều loại thủy sản đặc trưng của mùa nước nổi.
Ven bờ kênh Vĩnh Tế ngay chân cầu Tha La (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) có một phiên chợ đặc biệt, được người dân địa phương gọi là chợ cá "âm phủ", hay chợ cá "ma" vì chỉ họp lúc đêm. Phiên chợ thường diễn ra chóng vánh trong vài tiếng đồng hồ trước khi trời sáng.
Theo những bậc cao niên, chợ cá "âm phủ" hình thành khoảng 20 năm trước, do bà con sống ven theo bờ kênh sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản đồng nội lập ra.
Từ giữa khuya, người dân địa phương đã đi thăm lú, dớn được đặt chiều hôm trước, sau đó đem về bán tại chỗ cho bạn hàng (tiểu thương). Nhờ có chợ này mà dân nghèo sống bằng nghề câu lưới không phải vất vả chở cá đi xa bán như trước nữa.
Trước dịch Covid-19, từ 3h sáng, chợ đã nhộn nhịp kẻ bán người mua, nhưng gần năm nay chợ cá "âm phủ" lùi giờ họp đến 4h.
Dưới mé sông, khi những ngư dân chạy xuồng chở cá đến, tiểu thương trên bờ lật đật đi xuống, tất bật lựa, cân, tính tiền... Đó là một chuỗi các hoạt động quen thuộc với người mua kẻ bán ở chợ suốt nhiều năm qua.
Ông Tâm - một ngư dân cho hay: "Ở đây, bán buôn đều quen mặt cả, ai cũng có mối lái riêng. Tuy hoạt động ban đêm nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng giành khách, cự cãi".
Được biết, chợ cá "ma" hoạt động quanh năm. 20 năm qua, chỉ giai đoạn dịch bệnh chợ mới đóng cửa. Mùa nào cá nấy nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là thời điểm mùa nước nổi. Lũ về mang theo sản vật cá tôm trù phú, người dân biên giới tranh thủ đặt dớn, lú, văng lưới để đánh bắt cá đồng.
Bà Phan Thị Tuyết (51 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc) cho biết, trước đây cá tôm bao la, mỗi ngày bà bắt được mấy chục kg, còn giờ ít hẳn, còn chừng 10kg. So với ngày trước, cá cũng kém phong phú hơn, chủ yếu bắt được cá linh, cá mồi (cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi trong ao), cá chạch, lươn, cua đồng...
"Tuy cá năm nay ít hơn năm rồi nhưng cũng giúp dân nghèo như chúng tôi có được đồng ra, đồng vô vì ở quê nhà đâu còn nghề gì làm trong mùa lũ. Ngày thường tôi kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng nhưng tháng nước lên có khi kiếm cả triệu đồng", bà Tuyết vui vẻ nói.
Chính vì sự đa dạng và tươi ngon của sản vật miền Tây tại đây mà chợ cá "ma" luôn thu hút nhiều khách hàng cả xa lẫn gần. Chị Huỳnh Thị Thu Thảo cho biết, để mua được cá đồng tươi ngon, những bạn hàng như chị phải thức từ sớm chờ ghe chở cá về.
"Cá đồng ở đây mua khá rẻ, dao động từ 20.000 đến hơn 100.000 đồng/kg, chẳng hạn như cá linh non khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg. Thu mua ở đây xong tôi tranh thủ đem cá tôm xuống chợ Châu Đốc bán, được giá cao hơn", chị Thảo cho hay.
Sau gần hai giờ hoạt động rôm rả, chợ tan dần. Tiếng cười nói, ngã giá cũng loãng đi. Khi tiếng gà gáy sáng bắt đầu dồn dập cũng là lúc chợ cá "âm phủ" thưa dần, cánh bạn hàng khệ nệ chở cá đồng ra chợ. Một số tiểu thương khác đến bày biện sạp rau, thịt ven đường, người địa phương gọi là nhóm tiếp chợ "chồm hổm".
Dưới kênh, các ngư dân lục đục trở về xuồng nổ máy, rời đi, sau một đêm phơi gió sương đánh bắt cá.