Chợ "âm phủ" ở miền Tây, người mua chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan

Bảo Trân

(Dân trí) - Nhờ bán những "sản vật trời cho", dân chợ "âm phủ" ở An Giang có thể kiếm vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Đặc biệt, phiên chợ này chỉ mở vài tiếng từ 2h đến 6h sáng.

Người mua chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan

Chúng tôi theo chân ông Sáu Dần (56 tuổi) đến chân cầu Tha La (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) vào lúc 2h. Sau vài tiếng ngâm mình đặt dớn (dụng cụ đánh bắt cá, tôm của người miền Tây), ông Sáu đổ tất cả "chiến lợi phẩm" nào là cá rô, tép, cua, lươn,... ra thau.

Chợ âm phủ ở miền Tây, người mua chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan - 1

Chợ Tha La (tỉnh An Giang) hay còn được gọi là chợ "âm phủ" (Ảnh: Sơn Bình).

Ông Sáu Dần áng chừng: "Bao nhiêu đây chắc vài ký, có thể bán được 300.000-400.000 đồng. Bây giờ bắt cá, tôm dưới sông cực lắm, chục cái dớn chỉ được  đó thôi".

Không chỉ ông Sáu Dần mà vào mùa nước nổi, nhiều người dân buôn bán tại chợ "âm phủ" Tha La cũng chịu khó đặt dớn, thả lưới xa hơn ngày thường để mong được bội thu cá, tôm.

"Cái tên chợ "âm phủ" được hình thành từ thói quen mua bán của người dân từ lúc 2h sáng đến hừng đông. Họ chủ yếu mang đồ (hàng hóa) như tôm, cá, rau,... đến bán cho các bạn hàng. Khi người mua còn chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan", ông Sáu Dần giải thích.

Chợ âm phủ ở miền Tây, người mua chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan - 2

Chợ Tha La nhộn nhịp từ 2h đến 6h sáng (Ảnh: Sơn Bình).

"Đồ đồng này như của trời cho, bắt được thứ nào bán thứ đó", ông Sáu Dần vui vẻ nói và cho biết chợ Tha La hoạt động suốt năm nhưng nhộn nhịp nhất vào mùa nước nổi, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến cuối tháng 10 âm lịch.

Người dân địa phương chia sẻ, ngày rằm hay 30 âm lịch, chợ thường có tép sông; mùng hai, mười sáu, chợ vang tiếng vịt đồng; trời mưa, họ chịu khó mò thêm ốc, nhổ vài bó bông súng bán kiếm thêm; riêng mùa nước nổi chợ đầy cá linh non.

Mùa nào thức ấy nhưng cũng có khi đi chợ Tha La, người ta gặp các loại cá trái mùa như chạch cơm, cá chốt, cá trê vàng, rắn bông súng,… đều là sản vật đồng bằng sa lưới. Người dân nơi đây ví những sản vật này là "của trời cho".

Anh Trần Hoài Thương (ngụ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, mỗi buổi ghé chợ Tha La, anh thu mua hơn 50kg cá, đồ đồng các loại. Anh mang về bán lại tại chợ Tịnh Biên hoặc xung quanh nhà có thể lời 300.000-500.000 đồng.

"Trước dịch Covid-19, người ta đi ghe cập ngay bến, đổ hàng ra bán trực tiếp. Bây giờ chỉ còn chừng chục ghe, một số người là lái nơi khác về đây bán như chợ đầu mối", một tiểu thương chợ Tha La nói.

Chợ âm phủ ở miền Tây, người mua chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan - 3

Cá chạch đồng là một trong những đặc sản mùa nước nổi được bán ở chợ "âm phủ" (Ảnh: Sơn Bình).

Theo người dân nơi đây, vì nguồn cá, tôm tự nhiên không còn nhiều, thấy kế sinh nhai đầy sự may rủi, nhiều người chọn cách gác lại nghề rồi lên Bình Dương làm công nhân ở các khu công nghiệp với niềm hy vọng đủ ăn, đủ mặc qua ngày.

Cách xem hàng đèn ai nấy rọi

Không giống các khu chợ khác, người bán và người mua ở chợ "âm phủ" thường tự chuẩn bị đèn pin để soi hàng. Trong tư thế ngồi xổm, người mua dùng đèn rọi vào chiếc cân để xem số ký, sau đó ai cũng cuối người để kiểm đếm, tính tiền. Mỗi cuộc giao dịch như vậy diễn ra trong vòng vài phút.

Chợ âm phủ ở miền Tây, người mua chưa kịp rõ mặt người bán thì chợ đã tan - 4

Người mua bán ở chợ Tha La thường phải mang theo đèn pin để rọi cân xem số ký và tính tiền (Ảnh: Sơn Bình).

Ngoài mua riêng từng loại, người đến chợ Tha La có thể hỏi cân xô (nhiều loại cá, tép có giá ngang nhau). Cách bán này do người bán sáng tạo ra cho những ngày chỉ bắt được mỗi loại cá một vài con khi số lượng không đủ để phân thành ký.

Một bạn hàng ngỏ ý cân xô toàn bộ thau cá chạch, tép rong, cá linh non với giá 80.000/kg, song người bán không đồng ý mà thương lượng phân loại cá để bán được giá hơn. Một tiểu thương khác ngồi cạnh thấy vậy cũng ngỏ lời: "Mớ chạch sông này cân riêng đã cả trăm nghìn rồi. Bán xô lỗ lắm".

Những cuộc mặc cả ở chợ Tha La cứ vậy diễn ra xuyên đêm. Có người lời ít, có người lời nhiều nhưng chẳng ai khó chịu vì tất cả trên tinh thần thuận mua vừa bán, đậm chất miền Tây.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm