Phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020
(Dân trí) - Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò của công tác an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhiệm vụ đảm bảo tính mạng người lao động và an toàn lao động được đặt lên hàng đầu và không thể đánh đổi bằng lợi ích kinh tế.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các cấp, các ngành và toàn thể công nhân, nhân dân lao động cần chung tay thực hiện tốt các giải pháp cơ bản: Chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020, diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến tình hình kinh tế của đất nước và việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Ông Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động cả nước phát huy tinh thần thi đua sáng tạo, quán triệt sâu sắc và triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, đơn vị các hoạt động Tháng Công nhân năm 2020 với các chủ đề "Năng suất cao - an toàn lao động - thu nhập tốt", "Duy trì việc làm - an toàn lao động - thu nhập ổn định" cùng chủ đề Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động sâu rộng đến đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cũng đề nghị các cấp công đoàn tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp vừa đảm bảo an toàn cho đoàn viên, người lao động tại nơi làm việc, vừa ổn định việc làm, thu nhập, nâng cao năng suất lao động; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để nỗ lực, tăng tốc khi hết dịch Covid-19.
Chăm lo, bảo vệ công nhân gặp khó khăn do mất việc, giảm việc, ngừng việc, đặc biệt là công nhân nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật… thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Số lao động tử vong do tai nạn giảm
Thống kê của Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, so với năm 2018, tình hình tai nạn lao động năm 2019 giảm ở nhiều chỉ số. Tai nạn lao động chết người giảm 5,8% (60 người), số người bị thương nặng giảm 5,5%. Số người chết do tai nạn lao động khu vực có quan hệ lao động giảm 1,93 % (giảm 12 người) so với năm 2018.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực có quan hệ lao động giảm. Đặc biệt là tai nạn lao động chết người khu vực không có quan hệ lao động giảm mạnh tới 11,5% (48 người) so với năm 2018 (Mặc dù số tỉnh, thành phố báo cáo tăng từ 41 lên 52).
Đây là thành công bước đầu ghi nhận các nỗ lực trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động.
Hoàng Mạnh