Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Nghiên cứu giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động xuống còn 0,3 %…”

(Dân trí) - “Doanh nghiệp phải tăng cường trách nhiệm khi mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm còn 0,3 %. Đồng thời cần quy định rõ về trường hợp tuổi nghỉ hưu cao hơn quy định..."

“Nghiên cứu giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động xuống còn 0,3 %…” - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với các đơn vị chuyên môn về quá trình xây dựng dự thảo các thông tư, nghị định quy định chi tiết nội dung của Luật Lao động năm 2012 (sửa đổi) tại cuộc họp rà soát công tác xây dựng thể chế của Bộ LĐ-TB&XH, sáng 11/3 tại Hà Nội.

Trước 1/6: Hoàn thành dự thảo 22 văn bản

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong kế hoạch năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cần xây dựng 96 đề án, các dự án luật; hồ sơ gia nhập công ước, nghị định, quyết định…Liên quan tới Luật Lao động 2012 (sửa đổi), Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH xây dựng 22 dự thảo nghị định, quyết định, thông tư liên quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về kế hoạch xây dựng thể chế năm 2020

“Dù thời gian không còn nhiều và khối lượng công việc rất lớn, lãnh đạo Bộ vẫn khẳng định cam kết: Khi Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, các nghị định trình Chính phủ, thông tư và văn bản dưới luật do Bộ chủ trì xây dựng sẽ đồng thời có hiệu lực” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Xây dựng quy định cần hướng tới lợi ích người dân

“Khi xây dựng dự thảo văn bản quy định chi tiết về Bộ Luật Lao động 2012 sửa đổi, Bộ  cần xác định lấy lợi ích và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí hướng tới..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Điều này nhằm khắc phục tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ các nghị định và văn bản dưới luật ban hành mới có thể triển khai trong thực tế.

Xác định thời hạn cuối cùng là trước 30/5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Thời gian chuẩn bị cho các văn bản trên chỉ còn 3 tháng. Theo lộ trình, tới ngày 1/6/2020, các dự thảo Nghị định, thông tư sẽ được đăng tải công khai trên mạng internet để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận xã hội…Sau đó mới trình Chính phủ xem xét và thông qua”.

“Nghiên cứu giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động xuống còn 0,3 %…” - 2

Bên cạnh các vấn đề dù khó nhưng đã có cơ sở thực tiễn, nhiều nội dung mới, chưa từng có tiền lệ đã đặt ra thách thức với bộ phận soạn thảo, như: Quy định tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, mối quan hệ giữa tổ chức này với công đoàn Việt Nam ra sao, cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép hoạt động… 

“Nội dung Bộ Luật Lao động chỉ quy định là điều kiện thành lập và người đứng đầu tổ chức bộ máy ban đầu. Còn nhiều vấn đề cụ thể đòi hỏi sự tham khảo thông lệ quốc tế và vận dụng, như: Có bao nhiêu hội viên thì được thành lập tổ chức? quyền liên kết như thế nào? vấn đề thương lượng ra sao?” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở.

Bên cạnh đó, các vấn đề khác cũng đòi hỏi sự cân nhắc vì tính nhạy cảm và tác động tới số đông người lao động, như: Quy định mới về tiền lương tối thiểu? trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn quy định và dành cho đối tượng nào? làm việc hơn tuổi quy định sẽ kéo dài bao lâu?... 

Làm rõ đối tượng nghỉ hưu muộn

Trong nhiều dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết Luật Lao động 2012 (sửa đổi) và các lĩnh vực liên quan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý nhóm vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, như: Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu của một số đối tượng; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp từ 0,5 % xuống còn 0,3 %; quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… 

“Nghiên cứu giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động xuống còn 0,3 %…” - 3

“Với trường hợp tuổi nghỉ hưu cao hơn quy định, chúng ta cần làm rõ hơn về nhóm đối tượng này? sau khi nghỉ hưu sẽ hưởng chế độ thế nào? Nên cân nhắc việc chuyển đổi tư cách làm việc của họ thành chuyên gia với tiêu chuẩn về sức khoẻ, trình độ, nguyện vọng cá nhân và nhu cầu của tổ chức...” - Bộ trưởng gợi ý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng: "Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) khi bắt đầu đi vào vận hành sẽ mở đường cho việc xây dựng mối quan hệ lao động mới, một thị trường lao động mới, đồng bộ, lành mạnh và hội nhập..."

Về vấn đề tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, nhiều nội dung mới cũng được đề cập, như: Điều kiện để thành lập tổ chức đó như thế nào? Công đoàn cơ sở chỉ cần 5 thành viên trở lên được thành lập, nhưng với mô hình này cần bao nhiêu thành viên để được thành lập tổ chức? tổ chức đại diện của người lao động ở những doanh nghiệp tới vài chục ngàn người lao động sẽ được quy định khác doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ ra sao?

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, vấn đề thách thức còn xuất hiện khi quy định về quan hệ liên kết ngang và liên kết dọc của tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở? Vấn đề là một người lao động có được tham gia một tổ chức hay nhiều tổ chức và cơ cấu như thế nào?...

Liên quan tới việc điều chỉnh mức đóng của người sử dụng lao động vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bộ đã trình cấp trên đề xuất việc giảm mức đóng từ 0,5 % xuống còn 0,3 %.

“Đây là chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp có ý thức hơn trong công tác an toàn lao động. Tuy nhiên, cần làm rõ số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng nếu chính sách ban hành sẽ ra sao? Đối với doanh nghiệp mà có nhiều người bị tai nạn thì thế nào? đơn vị có đông người lao động thì sẽ áp dụng ra sao?” - Bộ trưởng lưu ý.

Việc áp dụng giảm mức đóng như trên sẽ chủ yếu tập trung vào nhóm các doanh nghiệp sử dụng các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, trên cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời hạn từ 3 năm trở lên.

Được biết năm 2017, trên cơ sở đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã giảm mức đóng của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1 % xuống còn 0,5 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. 

Tận dụng công nghệ thông tin khi lấy ý kiến góp ý

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần khai thác thế mạnh CNTT trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: “Dù công tác tổ chức các hội nghị liên quan tới việc lấy ý kiến góp ý về các dự thảo thông tư, nghị định bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bộ vẫn không thể bỏ qua các quy trình lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội và các cơ quan liên quan. Bộ sẽ chủ trương tăng cường các giải pháp về công nghệ thông tin: Lấy ý kiến qua mạng, qua hệ thống các cơ quan thông tấn báo chí, qua góp ý của chuyên gia qua thư điện tử …”.

 Hoàng Mạnh