Phấp phỏng lo thiếu người giúp việc
Ba ngày Tết đã qua, còn chưa trở lại công việc, nhiều gia đình lại phấp phỏng lo: Người giúp việc đòi tăng lương hoặc nhảy việc, bỏ việc. Không ít gia chủ phải thưởng "mạnh tay" (trước Tết) hoặc yêu cầu cam kết cụ thể để tránh những "nguy cơ" này...
Nháo nhào tìm người...
Mồng 5 tháng Giêng, cả gia đình bà Thanh (Ngõ 36 - phố Vạn Bảo, quận Ba Đình) nháo nhào bổ đi khắp các trung tâm giới thiệu việc làm, huy động mọi mối quan hệ để tìm người giúp việc (NGV). Số là, gia đình bà Thanh chỉ có hai vợ chồng già, con cái đều ở xa, đứa định cư nước ngoài, đứa vào tận TP Hồ Chí Minh sinh sống.
Bốn năm trước, bà Thanh bị liệt, mọi sinh hoạt của bà và việc nhà trông cả vào tay bà Nhàn giúp việc. Sau nhiều năm ăn Tết cùng gia chủ, năm nay bà Nhàn về quê ăn Tết cùng gia đình và lên muộn. Để tìm NGV thay thế bà Nhàn, gia đình bà Thanh phải chấp nhận bỏ ra mức chi phí cao: 850.000 đồng/ngày.
Cũng giống bà Thanh, gia đình chị Oanh (ở phố Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng) cũng rất vất vả mới tìm được một NGV tạm thời trong thời gian NGV cũ về quê ăn Tết. Để có thời gian kinh doanh buôn bán, chị Oanh chấp nhận bỏ ra 7 triệu đồng/tháng để thuê NGV chăm sóc bố chồng bị di chứng tai biến.
Năm nay, mùng 5 Tết, NGV xin phép về quê nửa tháng để lo xây nhà cho con. Chạy đôn đáo khắp nơi không tìm được người ưng ý, may mắn qua giới thiệu của bạn bè, cuối cùng chị Oanh cũng chọn được một NGV có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh, tuy nhiên mức phí phải trả cho NGV tạm thời lên tới 800.000 đồng/ngày.
Chị Oanh than thở: "Giá thuê NGV tạm thời trong nửa tháng bằng đúng hai tháng lương của NGV hiện tại nhưng không thuê thì không biết phải xoay xở thế nào. Đã thế, NGV cũ thấy mình phải thuê NGV tạm thời với giá quá cao nên cũng đang đòi tăng lương sau Tết, nếu không sẽ bỏ việc. Cứ đà đòi tăng lương kiểu này, vợ chồng tôi bán hàng cả tháng cũng chỉ đủ chi phí nuôi NGV…".
Dạo một vòng qua các công ty chuyên cho thuê NGV có thể thấy, tiền thuê NGV sau Tết đã tăng lên đáng kể so với những năm trước. Dịp giáp tết Nguyên đán, giá thuê theo giờ dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/giờ, cao gấp 3-4 lần so với ngày thường.
Tuy nhiên, nếu trước Tết nhu cầu thuê người dọn dẹp theo giờ tăng cao, thì trong những ngày sau Tết, nhu cầu thuê NGV theo ngày lại là lựa chọn chủ yếu của các gia chủ và tất nhiên mức giá cũng bị "thổi" lên rất cao. Tùy theo nhu cầu của gia chủ mà các công ty cho thuê NGV chia ra nhiều gói dịch vụ với nhiều mức giá khác nhau, từ NGV phổ thông tới chuyên nghiệp. Trung bình, gói phổ thông có mức giá dao động từ 450.000 đến 550.000 đồng/ngày, dành cho các đối tượng là NGV mới vào nghề. Để thuê được một NGV có kinh nghiệm, biết nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già, trẻ em… gia chủ phải chấp nhận bỏ ra mức phí 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày.
"Nỗi ám ảnh"
Có thể nói, thiếu NGV đang trở thành "nỗi ám ảnh" của nhiều gia đình ở các thành phố lớn. Không kể dịp Tết và sau Tết, thu nhập bình quân của một NGV đã dao động từ mức 4.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng/tháng. Mức thu nhập này tương đương mức lương cơ bản của một người có trình độ đại học (ĐH) với thâm niên công tác 15 - 20 năm và cao hơn 2 - 3 lần mức lương của một cử nhân mới ra trường làm việc trong cơ quan hành chính.
Lý giải về mức tiền thuê NGV tăng vọt trong dịp sau tết Nguyên đán, anh Việt Phương - Giám đốc một công ty cho thuê NGV tại quận Ba Đình cho biết: Ra Giêng, đa số NGV tại các gia đình đều về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình, người thân. Do đó, thị trường cung cấp NGV chuyên nghiệp vốn đã khan hiếm càng trở nên cạn kiệt. Đây chính là nguyên nhân khiến mức tiền thuê NGV dịp sau Tết tăng vọt.
Chi phí tăng thêm hầu hết được trả cho NGV bởi nếu thu nhập không cao hơn ngày thường, chắc chắn không ai chịu chấp nhận xa gia đình, người thân để đi làm trong dịp Tết. Tuy nhiên, theo anh Phương, để đào tạo được những NGV chuyên nghiệp, có đầy đủ kỹ năng, các công ty tuyển dụng phải bỏ ra không ít công sức. NGV chuyên nghiệp phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, có xác minh nhân thân đầy đủ.
Trước khi bàn giao cho khách hàng, NGV được đào tạo kỹ càng về nội trợ, đủ tiêu chuẩn đảm đương, quán xuyến các công việc bếp núc, vệ sinh… trong gia đình; được đào tạo kỹ năng cơ bản về tác phong, đồng thời phải ký kết giao kèo cụ thể với công ty về các thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
Anh Phong - Giám đốc Công ty giới thiệu việc làm tại quận Cầu Giấy cho biết: "Nhu cầu tìm NGV chuyên nghiệp rất lớn nhưng nguồn cung vô cùng hạn chế. Trong khi đó, mỗi tháng chúng tôi tiếp nhận cả trăm hồ sơ xin việc của các cử nhân mới ra trường, nhưng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị dành cho đối tượng này lại không đáng kể".
Đến các trung tâm giới thiệu việc làm mới thấy, khan hiếm nhất hiện nay là nguồn cung NGV và dôi dư nhất chính là cử nhân ĐH đang thất nghiệp. Dịp sau tết Nguyên đán Bính Thân, ngoài các công ty môi giới, trên nhiều trang facebook, các diễn đàn việc làm… nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên ngoại tỉnh đã lựa chọn làm NGV như một cơ hội tăng thêm thu nhập hiệu quả cao.
Lê Hải Chuyền - sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: Sau Tết là thời điểm dễ kiếm việc làm với thu nhập cao nhất trong năm. Chuyền rời quê Phú Thọ lên Hà Nội từ mùng 3 Tết để đi làm giúp việc cho hai gia đình theo giờ, thu nhập khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày, chưa kể tiền thưởng.
Theo Báo Hà Nội mới