1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trung Quốc: Công nhân rủ nhau rời nhà máy về quê lập nghiệp

Số lượng lao động từ nông thôn lên thành thị kiếm việc làm ở các nhà máy ở Trung Quốc đang giảm dần, đồng thời số người đang làm công nhân quay trở về quê tìm việc cũng tăng lên.

Shi Wenjian là một trong những công nhân từ bỏ công việc nhà máy để trở về Quý Châu làm công việc nuôi gà, nơi anh có thể tiện chăm sóc bố mẹ và hai người con
Shi Wenjian là một trong những công nhân từ bỏ công việc nhà máy để trở về Quý Châu làm công việc nuôi gà, nơi anh có thể tiện chăm sóc bố mẹ và hai người con

Khu vực dân cư rộng lớn nằm ngoài nhà máy Guanlan tại Thâm Quyến của Tập đoàn Foxconn trở nên yên tĩnh một cách kỳ lạ trong buổi chiều Chủ nhật gần đây. Thường những ngày nghỉ là thời điểm công nhân nhà máy rộn ràng tới mua sắm chiếu, quạt điện, dầu gội đầu hoặc những đồ dùng khác.

Nhiều dân nhập cư từ các khu vực nông thôn đến Thâm Quyến hay những đô thị khác của Trung Quốc làm công nhân nay đã gói gém đồ đạc trở về quê nhà để tìm kiếm những điều tốt hơn. Một trong những nơi đó là làng Binghuacun thuộc tỉnh Quý Châu, nằm cách xa Thâm Quyến 670 km.

Anh Mo Wangqing rời Binghuacun năm 18 tuổi để đến làm công việc nặng nhọc ở những nhà máy gần bờ biển. Anh tham gia sản xuất đủ mọi thứ, từ các linh kiện điện tử tới những tấm ván ốp tường. Nay Mo Wangqing đã 36 tuổi và anh đã quyết định quay trở về quê lập nghiệp cách đây một năm, sau 18 năm phiêu bạt qua nhiều nhà máy khác nhau. Những công việc ở các nhà máy vùng duyên hải đang ngày càng khan hiếm, và anh nhận thấy cơ hội cho anh không phải ở nơi nào xa xôi mà là ở chính ngôi làng của anh.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc và đường cao tốc nối tới Quý Châu, mang lại cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế nơi đây. Mo kể rằng khi còn làm công nhân tại tỉnh Quảng Tây, anh nhìn thấy người dân địa nuôi một đầm cá. Điều đó đã thôi thúc anh muốn có một đầm cá như vậy.


Mo Wangqing tại làng của anh, nơi anh đã bắt đầu công việc mới là nuôi cá và đang có kế hoạch mở một nhà hàng

Mo Wangqing tại làng của anh, nơi anh đã bắt đầu công việc mới là nuôi cá và đang có kế hoạch mở một nhà hàng

“Tôi biết rằng nước ở đây, ở Quý Châu, sạch và tốt hơn nhiều cho việc nuôi cá,” anh nói. Hiện giờ, anh đã có một đầm cá của riêng mình, và anh cũng có kế hoạch sẽ mở một nhà hàng bán những món ăn chế biến từ những con cá do anh nuôi ở miền núi này. Mo hi vọng rằng khách du lịch sẽ ngày càng đến nơi anh sinh sống nhiều hơn, nơi được bao quanh bởi những ngọn núi cao và những con sông.

“Trước đây, chúng tôi sống dựa vào những cánh đồng lúa, ngô, hạt tiêu và tiền mà những người trẻ đi lao động xa nhà gửi về,” Mo Buchun, một quan chức trong làng nói khi đang ngồi tại trung tâm tổ chức tiệc của làng, dưỡi những tấm áp phích lớn in hình chân dung Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

“Giờ đây những người dân di cư của chúng tôi đang trở lại với những kỹ năng mới,” ông nói tiếp và mô tả một trong những kỹ năng đó là kiến thức sử dụng máy tính.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, số người nhập cư vào các thành phố từ vùng nông thôn tăng 0,4%, lên 169 triệu người. Nhưng Tom Miller, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh nói rằng con số này có thể sẽ giảm trong năm 2016. Nhiều người nhập cư đơn giản là di chuyển đến các thành phố hoặc đô thị gần đó để sống và làm việc.

Một khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng tại Quý Châu
Một khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng tại Quý Châu

“Cơn lũ lao động nông thôn đã yếu đi thành dòng chảy nhỏ giọt và có thể sẽ trở nên khô hạn,” ông Miller nói.

Cơ quan thống kê quốc gia không thống kê lượng dân di cư trở về vùng nông thôn, nhưng tỉnh Quý Châu lại làm điều đó. Theo chính quyền Quý Châu, năm ngoài có 1,2 triệu người đã trở về quê nhà, tăng hơn gấp đôi so với con số 520.000 người năm 2011.

Để khuyến khích người dân quay trở lại, chính quyền Quý Châu đã ra một chính sách hỗ trợ những người trở lại được đào tạo về kinh doanh miễn phí, miễn thuế cho quá trình khởi nghiệp và đưa ra các khoản vay lãi suất thấp.

Du lịch là một lĩnh vực được ưu tiên. “Bắt đầu từ đầu những năm 1980 vùng nông thôn ở Trung Quốc phát triển dựa vào ngành sản xuất và chế biến,” Sun Zhe, Chủ tịch một trang web du lịch GoHome chuyên cung cấp tour du lịch cho người thành phố tới Quý Châu để tìm hiểu cuộc sống truyền thống nơi đây, nói. “Bây giờ chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế dịch vụ và du lịch nên chuyển về vùng nông thôn Trung Quốc.

Pan cho biết cô không muốn các con cô sau này phải chịu cảnh sống xa bố mẹ như cô đã phải trải qua
Pan cho biết cô không muốn các con cô sau này phải chịu cảnh sống xa bố mẹ như cô đã phải trải qua

Shi Wenjian, người từng là công nhân nhà máy may tại tỉnh Chiết Giang và cũng đã trở về quê lập nghiệp cách đây hai năm, chia sẻ rằng là một người di cư không có gì là vui vẻ. Shi trở về Quý Châu sống với vợ và một người con trai 5 tuổi và một người con gái 7 tuổi. Về quê, anh nuôi gà tại Trung tâm Nông nghiệp sinh thái Qianlafang, một trang trại chăn nuôi hữu cơ và du lịch ở thị xã Luodian. Nơi đây cách xa nhà của anh 70km, nhưng Shi cho biết vẫn rất dễ dàng để đi lại giữa hai nơi và chăm sóc bố mẹ đã già của anh.

Ngoài những lý do như Shi hay Mo ra, cũng đang nổi lên sự nhận thức về giá phải trả của những người di cư. Pan Guofen năm nay mới 23 tuổi nhưng có cho biết cô đã phải trải qua cảm giác sống cơ đơn và lớn lên thiếu tình thương của bố mẹ như thế nào khi cô còn trẻ. Hiện tại Pan đang quản lý một trang thương mại điện tử chuyên cung cấp rau hữu cơ, hoa quả và thịt được sản xuất ở Qianlafang. Khi còn nhỏ, bố mẹ cô phải rời gia đình tới làm công nhân cho một nhà máy tại Quảng Đông. Cô được bà nuôi trước khi được gửi vào học một trường nội trú công.

“Tôi sẽ kiên quyết không để những đứa con trong tương lai của tôi phải chịu cảnh như vậy,” cô nói. “Tôi sẽ tìm một công việc ở bất cứ nơi đâu gần trường học của chúng.”

Một cuộc khảo sát mới đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố tháng Tư vừa qua cho thấy một nửa người Trung Quốc ở nông thôn không còn hứng thú với việc chuyển đến các thành phố sinh sống. Có nhiều lý do mà họ đưa ra như tuổi tác, nhu cầu phải chăm sóc bố mẹ và con cái và cả việc không quen với đời sống đô thị. Hai phần ba trong số đó có kế hoạch di cư cũng cho biết họ có ý định sẽ quay trở lại làng của họ.

“Kế hoạch của tôi là tiết kiệm ít tiền, sau đó khoảng hai năm sẽ qua trở lại nhà và bắt đầu công việc mới, có thể là một cửa hàng bán quần áo,” Zhang Chi, 25 tuổi, và đang là công nhân một nhà máy ở thành phố Đông Quảng, kể về kế hoạch của mình.

“Khi tôi còn rất nhỏ, có một khoảng cách lớn giữa nơi đây và quê tôi, nhưng bây giờ không còn nữa. Cuộc sống nơi đó bây giờ cũng rất tốt,” Zhang nói.

Theo Bảo Trâm/Diễn đàn Doanh nghiệp