Chật vật sống với đồng lương công nhân:

Phải tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình

Đang có ý kiến cho rằng nên giãn thời hạn nâng mức lương tối thiểu (LTT) bằng nhu cầu sống tối thiểu (NCSTT) vào năm 2018, thậm chí muộn hơn, thay vì vào năm 2017 theo đúng Luật Lao động. Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia - về vấn đề này.

Với một căn phòng nhỏ và những tiện ích tối giản như thế này, người lao động vẫn phải bỏ ra từ 500.000 - 600.000 đồng tiền thêu trọ.

Với một căn phòng nhỏ và những tiện ích tối giản như thế này, người lao động vẫn phải bỏ ra từ 500.000 - 600.000 đồng tiền thêu trọ.

Thưa ông, mức tăng trung bình 14,3% của LTT năm 2015 có ảnh hưởng thế nào đến đời sống của NLĐ?

- Nhìn tổng thể, hơn chục triệu NLĐ được hưởng mức lương mới, đời sống có tăng lên. Nhưng mức tăng không đồng đều. Với phần lớn các DN có mức lương thấp hơn hoặc ngang bằng LTT, rõ ràng khoản tăng, dù ít ỏi cũng giúp cải thiện được đời sống. Thực tế, vì có cải thiện, CN mới hăng hái làm việc, năng suất LĐ tăng và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế gần 6% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Đó có phải là lý do để có ý kiến cho rằng có thể dãn lộ trình tăng LTT bằng NCSTT, thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng, với mức tăng như năm nay, chúng ta vẫn còn nợ NLĐ tới trên 20% so với NCSTT. Vì thế, nếu năm 2016, chúng ta giải quyết được trên 14,3% cũng chưa giải quyết được số nợ đó. Nếu kéo dài như vậy, giai cấp CN VN vẫn bị sống trong cảnh tiền lương không đủ trang trải cuộc sống và không thể tạo ra năng suất LĐ được. Chính vì thế, muốn tạo ra năng suất LĐ, điều đầu tiên là chúng ta phải đảm bảo cho LTT phải bằng NCSTT, tức là bảo đảm đời sống ở mức thấp nhất cho NLĐ. Tôi thấy không có lý do gì để không tăng LTT theo đúng lộ trình.

Bởi, thứ nhất, tình hình KTXH từ 2014-2015 có nhiều triển vọng hơn. Số lượng DN mới thành lập nhiều hơn số DN “chết đi”, giải thể. Bên cạnh đó, một số DN tạm “chết” trở lại hoạt động và thu hút thêm nhân lực. Tiếp theo là mức tăng trưởng của nền kinh tế đạt gần 6%. Điều này chứng tỏ làm ăn ở VN vẫn có lợi nhuận. Bên cạnh đó, vì LTT của năm 2014 đề xuất cho năm 2015 vẫn còn thấp hơn so với NCSTT trên 20%.

Vì thế, chúng tôi kiên quyết đề xuất mức tăng cho năm 2016 này phải tăng hơn so với đề xuất của năm 2014 cho năm 2015.

Cụ thể sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

- Nếu để giải quyết theo đúng lộ trình, mức đề xuất cho năm nay phải là gần 20% (6% GDP + 3% bù giá + trên 10% bù phần thiếu hụt so với NCSTT). Thế nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng này mới là tạm tính cho 6 tháng đầu năm và tình hình SXKD có thể còn có biến động, vì thế, tôi nghĩ mức tăng cho năm tới không thể thấp hơn 15-16%. Nếu Chính phủ duyệt thấp hơn, chưa biết lộ trình sẽ kéo dài đến bao giờ.

Có mâu thuẫn không khi một mặt ông cho rằng không nên dãn lộ trình để LTT ngang bằng với NCSTT, mặt khác lại “thỏa hiệp” với mức tăng 16%, thay vì gần 20% như đáng ra nó phải thế?

- Hội đồng Tiền lương Quốc gia của ta đang làm việc theo cơ chế 3 bên để đảm bảo quyền lợi của cả NLĐ lẫn người sử dụng LĐ. Tuy nhiên, bên đại diện cho giới chủ và Nhà nước lại có lý lẽ riêng, họ cho rằng trước hết phải bảo vệ việc làm. Có việc làm rồi mới tính đến chuyện tiền lương.

Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì sắp tới đây, khi chúng ta hội nhập sâu với quốc tế, đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, LĐ giá rẻ không còn là lợi thế của VN nữa mà vấn đề phải là năng suất, tay nghề của NLĐ. Nếu cứ để cuộc sống của NLĐ bị bần cùng hóa bởi LTT không đáp ứng cho NCSTT, lấy đâu ra năng suất LĐ, lấy đâu ra tay nghề cao? Trong lúc chưa có chung quan điểm, ba bên vẫn phải cùng nhau bàn bạc, thậm chí là “thỏa hiệp” để dung hòa lợi ích các bên.

Trên thực tế, không ít NLĐ tỏ ra không mấy quan tâm đến LTT, vì họ cho rằng các thu nhập ngoài lương như làm thêm và các phụ cấp khác mới là đáng kể. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Đúng vậy, nhiều CN trong các KCN nói may mắn là “được” làm thêm, chứ không phải là “bị” hay “phải” làm thêm. Đó là vì LTT quá thấp. Nếu LTT cao bằng NCSTT rồi, nhu cầu làm thêm sẽ không nhiều như bây giờ. Khi nguồn thu không đủ, CN sẽ phải cắt bớt các khoản không cần thiết, không gây “chết người” ngay như hưởng thụ văn hóa tinh thần, tiêu chuẩn ăn đủ để tái tạo sức LĐ…

Nói cụ thể hơn, chúng ta thực hiện Nghị quyết 20 của T.Ư Đảng “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân VN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” như thế nào đây? Bản thân NLĐ phải hiểu một cách căn cơ về việc làm mới không “mắc bẫy” vào việc tăng thu nhập từ việc làm thêm. Quan trọng hơn, việc tăng LTT sẽ giúp họ có lương hưu đảm bảo hơn cho cuộc sống sau này.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Lao động