Gặp khó do Covid-19, người lao động muốn tìm việc lương ổn định
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm. Điều này khiến không ít công nhân trăn trở muốn tìm cơ hội mới nhằm đẳm bảo thu nhập, trang trải cho cuộc sống.
Tìm việc mới
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các điểm thông báo đặt ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) luôn tấp nập công nhân ra vào. Nhiều công nhân may mắn, không nằm trong diện chia tay doanh nghiệp vì dịch Covid-19. Nhưng họ vẫn đến đây để tìm cho mình một cơ hội việc làm mới.
Chị Trần Hiền Hà quê ở Văn Chấn, Yên Bái có 6 năm kinh nghiệm làm việc cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Bắc Thăng Long cho biết: “Từ tháng 5 đến nay, chúng tôi chỉ làm 5 ngày/tuần và không còn tăng ca như trước nữa. Tiền lương của tôi giảm từ 9 triệu đồng xuống hơn 4 triệu đồng/tháng”.
Được biết, công ty chị Hà đang làm việc phải nhập khẩu 100% nguyên liệu từ nước ngoài. Việc nhập nguyên liệu thô khó khăn, khiến công ty phải cắt giảm giờ làm nếu không muốn cắt giảm công nhân.
Thu nhập giảm một nửa, lại sống ở thành phố có vật giá đắt đỏ như Hà Nội khiến chị Hà rơi vào tình cảnh khó khăn. Làm việc cầm cự chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Đã 4 tháng nay, chị Hà chưa dư ra đồng nào để gửi về quê đỡ đần bố mẹ nuôi 2 em nhỏ ăn học.
“Hàng ngày, sau giờ làm, tôi vẫn ra đây đọc thông báo và tìm kiếm trên Internet xem có công ty nào tuyển lao động mà có công việc đều để tôi chuyển sang làm. Tôi còn trẻ nhưng cứ đi làm mấy buổi lại nghỉ ở nhà thì lãng phí sức lao động quá”- chị Hà cho biết thêm.
Cũng đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, anh Nguyễn Tuấn Hùng, quê ở Tiên Phú, Phú Ninh, Phú Thọ đang là công nhân của một nhà máy sản xuất bao bì. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty của anh Hùng không có đơn hàng.
Trong đợt dịch trước, gần 1 nửa số công nhân của công ty anh Hùng đã phải thôi việc. Nhằm giữ chân lao động trong đợt dịch này, công ty cắt giảm giờ làm khiến cho thu nhập của công nhân giảm đáng kể.
Anh Hùng cho hay: “Giờ tôi đi làm 4 ngày thì được nghỉ 2, ở nhà chẳng biết làm gì nên chạy ra đây xem các công ty tuyển dụng, hy vọng là tìm được công việc tốt hơn”.
Hai vợ chồng anh Hùng làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long đều bị cắt giảm giờ làm. Chi phí sinh hoạt và nuôi 1 đứa con nhỏ học tại trường mầm non tư thục trên địa bàn đang đè nặng lên đôi vai vợ chồng anh.
“Tôi vẫn hy vọng tìm được công việc mới ổn định hơn, bây giờ với đồng lương của hai vợ chồng phải sống tiết kiệm lắm mới đủ, nhỡ có ốm đau không biết lấy tiền đâu ra mà chạy chữa. Hôm nay, thấy có nhiều công ty tuyển công nhân làm cơ khí tôi thấy cũng tạm ổn. Về bàn bạc với vợ thêm, hết tháng có khi tôi chuyển sang đấy làm” - anh Hùng bộc bạch.
Không chỉ anh Hùng, chị Hà mà còn rất nhiều lao động khác đang bị cắt giảm giờ làm khiến cuộc sống rơi vào tình cảnh khó khăn. Họ đều có một hy vọng, sẽ sớm tìm được một công việc ổn định và có thu nhập tốt hơn.
Công nhân nên cân nhắc kỹ
Người lao động, chính là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Để giữ chân công nhân của mình, các doanh nghiệp đã dùng nhiều biện pháp như tuyên truyền, động viên, hỗ trợ đời sống tinh thần cho người lao động. Thế nhưng người lao động cần nhất bây giờ là, công việc ổn định đem lại thu nhập.
Mong muốn của các doanh nghiệp cũng như người lao động thiếu việc làm hiện nay là, sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, trợ cấp mất việc của Chính phủ. Đồng thời được các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư mở rộng sản xuất.
Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Huyền Mai - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội - nhận định, thực trạng trên đang diễn ra và ngày càng tăng lên trong thời gian này. Đây là biện pháp tức thời, không mang tính lâu dài của người lao động.
“Việc mong muốn, làm việc ở một doanh nghiệp có mức lương cao hơn là nhu cầu tất yếu của người lao động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang làm ảnh hưởng đến đồng lương của công nhân” - bà Mai cho hay.
Theo bà Mai, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi chuyển việc, vì sẽ gặp nhiều rủi ro như phải học lại nghề từ đầu. Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc hẳn nên việc các công ty bị ảnh hưởng, cắt giảm lao động vẫn có thể xảy ra.
Cũng theo bà Mai, trong đợt dịch trước, các doanh nghiệp đã dùng biện pháp cắt giảm lao động để tự cứu lấy mình. Trong đợt dịch thứ hai này, lao động còn lại đều có tay nghề, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nên chỉ bị cắt giảm giờ làm nhằm giữ chân người lao động.
“Người lao động nên chia sẻ với doanh nghiệp trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, suy nghĩ về tính ổn định, lâu dài và thương hiệu doanh nghiệp mà mình đang làm việc. Đồng thời người lao động nên cân nhắc thật kỹ, trước khi chuyển công ty”- bà Bùi Huyền Mai chia sẻ thêm.