Ồ ạt đi “chui” sang Trung Quốc mưu sinh

Sau tết là khoảng thời gian nông nhàn, dù công việc khá vất vả nhưng thù lao được trả cao nên nhiều người dân ở các huyện nghèo vùng sâu, vùng xa có nhu cầu sang lao động bên Trung Quốc tăng cao.

Sức hấp dẫn của thị trường lao động bên phía Trung Quốc khiến nhiều người dân bất chấp rủi ro bị bắt giữ, xử phạt của các cơ quan chức năng, vẫn đi “chui” sang lao động thuê.

Khó quá hóa liều

Qua tìm hiểu, được biết nhiều thôn bản ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Lộc Bình (thuộc tỉnh Lạng Sơn), các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên… số người đi chui sang Trung Quốc rất nhiều, trong đó đa phần là phụ nữ độ tuổi 35-50. Do ở độ tuổi này các công ty không tuyển nữa, cuộc sống khó khăn, lao động chỉ theo thời vụ nên họ tranh thủ lúc nông nhàn đi lao động thuê để kiếm thêm thu nhập, phần ít còn lại là thanh niên.

Chị H.T.Đ (37 tuổi) ở Văn Quan nhớ lại: “Đi một lần mà nhớ cả đời. Năm 2009, một số chị em trong làng rủ nhau đi Trung Quốc chặt mía thuê. Ban đầu cũng sợ bị bắt vì đi chui nhưng do trong nhóm có một chị quen với một người ở làng bên nhưng làm dâu sang Trung Quốc nên cũng tin tưởng đi theo. Lúc đi thống nhất là mỗi người phải đưa 250 tệ (khoảng 700.000 đồng) phí đi đường và hẹn nhau xuất phát lúc 21 giờ. Đúng giờ có xe đến đón tận nhà. Trên xe gần chục người toàn người trong làng và làng bên.

Do đi buổi tối nên cũng không rõ là đi đường nào, chỉ biết là đi đường huyện Lộc Bình đến một đoạn vắng thì xuống xe đi 30 phút đường bộ, sau đó lên một xe chờ sẵn ở bên Trung Quốc. Sau đó đi khoảng hơn một tiếng thì đến trung tâm thành phố. Từ đây mới lại lên một chiếc xe khác di chuyển đi sâu vào khu vực cần thuê lao động chặt mía.

Công việc của chúng tôi là chặt mía khoán. Ai chặt được nhiều thì được trả nhiều, trung bình một ngày được trả hơn 200.000 đồng. Một nhà họ thuê khoảng 6-7 người nên công việc cũng xong sớm, làm hết việc thì về. Lúc này vẫn theo “chỉ đạo” của người dẫn đường, có xe đến đón, nhưng khi chạy bộ đường rừng qua khu vực biên giới chúng tôi bị lực lượng Biên phòng Trung Quốc phát hiện bắt và giam giữ gần 1 tháng sau đó mới được trao trả về Việt Nam”.

Chen nhau làm giấy thông hành để sang Trung Quốc tìm việc.Liễu Chang
Chen nhau làm giấy thông hành để sang Trung Quốc tìm việc.Liễu Chang

Chị Đ cho biết thêm: Năm nay trong làng cũng nhiều người đi lắm, tối hôm mùng 6 Tết vừa qua đã có xe về tận nơi đón rồi. Nhiều người 50 tuổi vẫn có nhu cầu đi, phải nhuộm lại tóc cho đen vì sang đó nếu thấy già quá họ không thuê vì nghĩ già, ốm yếu không làm được việc. Bình thường ở nhà họ mặc toàn đồ người già, mặc quần áo dân tộc, đến khi đi phải mua quần tây, áo phông mặc nhìn cho trẻ, như thế chủ vườn mới thuê”.

Là một người cũng từng đi chặt mía thuê, cô H.T.S (50 tuổi) ở xã Song Giang, huyện Văn Quan cho biết: “Giờ bọn trẻ cũng đi hết, không ai trông nhà nên tôi không đi được. Làng này giờ còn người già với trẻ con thôi. Ai còn trẻ, có sức khỏe thì đi công ty, già hơn, không có bằng cấp thì đi Trung Quốc chặt mía.

Cô S kể lại: “Năm 2011, tôi cũng theo một vài người trong làng đi Trung Quốc chặt mía thuê. Lần đầu đi nên cũng chẳng biết đâu với đâu, chỉ biết đi theo người ta mà lại xuất phát vào buổi tối. Dân ở đây thường đi theo 2 con đường, một là đi đường Lộc Bình sau đó đi bộ qua đường mòn vượt biên; hai là đi đường Cao Bằng sau đó đi bè qua sông là đến đất Trung Quốc.

Đợt tôi đi toàn người cùng làng vì có người năm trước họ đã từng đi làm cho nhà đó, đã quen mối nên năm nay dẫn theo người sang. Biết vượt biên không giấy tờ là vi phạm, nhưng nghĩ đến chuyện lặn lội mấy chục cây số lên thành phố để làm thủ tục, rồi chờ đợi nên nhiều người nản. Có người dẫn đường tin tưởng nên cứ đi thôi. Nhiều người làng này hai vợ chồng đi một tháng mà cầm về được hơn 20 triệu đồng nhưng nhiều người đi lúc về bị trấn lột hết hoặc có người thì bị bắt nên mất hết. Biết thế nhưng không đi ở nhà trông chờ vào mấy mảnh vườn thì sao đủ sống, năm nay chưa ăn xong tết nhiều người đã lại đi rồi”.

Quá tải trong khâu làm thủ tục

Theo tìm hiểu, được biết, nhu cầu lao động phía bên Trung Quốc rất lớn và hấp dẫn nhưng tỉnh Lạng Sơn chỉ có thỏa thuận lao động với TP.Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thỏa thuận lao động này chỉ áp dụng đối với những công dân có hộ khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Nhưng thực tế nhiều người ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên… cũng có nhu cầu sang lao động phía Trung Quốc nên hầu hết đều đi “chui” sang đường mòn nên các cơ quan chức năng khó quản lý.

Người dân sang làm các công việc chủ yếu trong các trang trại như chặt mía, trồng mía, làm đậu, công nhân xì hàn, gia công trong các xưởng…

Theo ghi nhận của phóng viên, vào những ngày sau tết lượng người đổ về Phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn làm giấy thông hành đông nườm nượm. Hàng trăm người dân đứng, ngồi chờ đợi ngao ngán. Lượng người có nhu cầu làm giấy thông hành sang Trung Quốc tăng gấp 3-4 lần so với trước tết.

Anh Vy Văn Hùng - Trưởng thôn, thôn Nà Rọ, xã Song Giang, Văn Quan cho biết: Sau tết, nhiều bà con trên địa bàn thôn lại có nhu cầu sang Trung Quốc chặt mía thuê. Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào ruộng vườn nên những lúc nông nhàn cũng muốn đi làm thuê để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Dù đã có tuyên truyền, nhắc nhở về vượt biên không giấy tờ nhưng do nhu câu về lao động phíaTrung Quốc lớn cộng với chặt mía thuê chỉ làm theo thời vụ, đi khoảng 1 tháng về là bước vào mùa vụ ở nhà nên nhiều người dân rủ nhau đi.

Còn ông Hứa Văn Quảng - Chủ tịch UBND xã Song Giang, huyện Văn Quan cho biết: Dịp sau tết, trên địa bàn xã có nhiều bà con có nhu cầu sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có người làm thủ tục xuất cảnh đầy đủ, nhưng cũng có người vẫn đi “chui” mặc dù xã đã tuyên truyền, nhắc nhở. Hầu hết chủ yếu người dân đi chặt mía thuê theo thời vụ, kéo dài khoảng 1 tháng.

Ông Quảng cho biết thêm: Số lượng lao động đi “chui” trong 2 năm gần đây trên địa bàn đã giảm đáng kể. Theo ông Quảng, cần tăng cường khâu làm giấy tờ thông hành cho người dân vì lượng người làm quá đông dẫn tới quá tải, người dân không thể chờ được nên mới mạo hiểm đi “chui.

Theo Dansinh.vn