Nuôi "sư phụ" dễ giàu

Trong túp lều cạnh trại nuôi dê ở khu phố 3, phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ông Bùi Xuân Đẩu vẫn chưa quên những tháng ngày khốn khó của gia đình khi chân ướt chân ráo rời quê Nam Định vào vùng đất này tìm kế sinh nhai.

“Lúc mới vào Bình Phước hơn 10 năm trước, tôi làm phụ hồ, còn vợ đi giúp việc nhà. Lúc đó, chứng kiến nhiều gia đình nuôi dê đều trở nên khấm khá, tôi cũng quyết theo nghề này” - ông kể.

Năm 2000, ông Đẩu bàn với vợ dùng tất cả số tiền dành dụm được để mua 13 con dê, có cả đực lẫn cái. Đến nay, đàn dê của gia đình ông Đẩu luôn ổn định ở mức 100 con. Đưa tay chỉ những lô cao su ven đường, ông Đẩu cho biết: “Chỉ cần lùa vào đấy, dê tự ăn cỏ. Nếu cỏ ở đây hết thì tôi lùa ra khu đất rộng gần 50 ha đã giải tỏa gần đó”.
Nuôi sư phụ dễ giàu

Giá dê thịt hiện khoảng 120.000 đồng/kg hơi, còn dê Bo (giống nhập từ Mỹ, Hà Lan...) 250.000-420.000 đồng, bách thảo hoặc lai Bo là 140.000 đồng. Bình quân mỗi tháng, ông Đẩu xuất bán cho các nhà hàng, quán nhậu 7-8 con. Chỉ với dê thịt, mỗi năm ông bán thu về trên 300 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng ông sắm thêm đất, mua thêm 10 con trâu về nuôi...

Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi khi nhìn túp lều với những tấm tôn và bạt nhựa dựng tạm bợ, ông Đẩu giải thích: “Với những cư dân đô thị thì gia đình tôi chẳng là gì nhưng lại thuộc hàng khá giả nếu so với nông dân trong vùng. Vì con gái còn đi học phổ thông nên vợ chồng tôi quyết định chờ cháu vào đại học rồi mới xây nhà”.

Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cũng là trường hợp điển hình nhanh chóng thoát nghèo nhờ nuôi dê. Năm 1996, ông cùng vợ rời Bến Tre lên Bình Phước làm thuê rồi tích cóp mua được 3 ha đất rẫy trồng điều, cà phê, cao su nhưng thu nhập thất thường, nhiều năm mất mùa, mất giá đến trắng tay.

“Năm 2012, khi về quê thăm người thân, thấy em ruột nuôi dê Bo trở nên khấm khá, tôi lên mạng tìm hiểu rồi đón xe đến Đồng Nai mua 2 con dê giống. Về Bình Phước, tôi mua thêm 2 con dê cái bách thảo để phối giống. Từ 4 con dê ban đầu, nhờ nuôi kỹ, giờ mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 40-50 con dê Bo lai, thu về hàng trăm triệu đồng. Đến nay, đàn dê nhà tôi còn 27 con chủ lực, tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng” - ông Thành khoe.

Dê là loài ăn tạp, ít bệnh, đỡ tốn công chăn dắt, thịt lại có giá nên được xem là “bảo bối” thoát nghèo nhanh, hiệu quả và bền vững. Những năm gần đây, người dân nhiều tỉnh, thành đã đổ xô nuôi dê. Riêng tại Bình Phước, do dê giống khá đắt - mỗi con từ 15 triệu đồng trở lên - nhiều người không với tới nên tỉnh đã tổ chức thực hiện dự án của Chính phủ: Cấp dê giống cho hộ nghèo, diện chính sách, người dân tộc thiểu số.

Ông Trần Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Phú, cho biết toàn xã có khoảng 30 hộ nuôi dê, trong đó 9 hộ được cấp giống theo dự án (4 con/hộ). Những hộ còn lại thấy nuôi dê khấm khá hơn các giống khác nên cũng nuôi theo.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng - nguyên chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú - nuôi dê không sợ thiếu đầu ra hay lỗ lã. “Heo xuất chuồng trễ 1 ngày sẽ tốn thêm thức ăn, mất giá. Còn dê hôm nay chưa bán được thì thả ngoài vườn hoặc nhốt trong chuồng cũng tăng thêm ký, tăng thêm tiền” - ông so sánh.

Nhiều người chăn nuôi dê kỳ cựu khẳng định cũng vì loài này ăn tạp nên ai không có kinh nghiệm nuôi sẽ dễ gặp thất bại nếu cho chúng ăn cây cỏ dính sương hoặc nước. Chưa kể, nhiều người nuôi theo đàn, dê phối giống bị trùng huyết khiến chúng không phát triển được, bệnh rồi chết.

“Vì vậy, người nuôi không được cho phối giống giữa dê đực là bố với dê cái là con hoặc cháu, giữa dê đực với dê cái là anh em... nhằm tránh trùng huyết. Thậm chí, để biết con nào là dê bố, mẹ, anh, em, người nuôi phải đánh số, lập… “gia phả” cho chúng!
Theo Báo Người lao động