1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hậu Giang:

Nuôi rắn sinh đẻ nhung nhúc trên sân thượng, lão nông sống nhàn

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Tận dụng diện tích sân thượng 60m2, ông Trương Thành Ngôn ở Hậu Giang xây 100 bể kính nuôi rắn ri voi. Mô hình này giúp lão nông kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ đàn rắn nhung nhúc...

Công việc chính là thợ sửa máy nhưng cách đây 6 năm, ông Trương Thành Ngôn (50 tuổi, ngụ tại thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) làm thêm nghề tay trái là nuôi rắn ri voi.

Ông Ngôn cho biết, khi ấy, có người hàng xóm bắt được cặp rắn ri voi tự nhiên, ông mua về rồi thả trong bể kính để làm kiểng. Một thời gian, rắn bắt đầu sinh sản. Một số người hỏi mua rắn con nên ông chia lại. Thấy được tiềm năng của loài vật này, ông Ngôn quyết định đầu tư chuồng trại, gia tăng đàn rắn. 

Nuôi rắn sinh đẻ nhung nhúc trên sân thượng, lão nông sống nhàn - 1

Ông Trương Thành Ngôn sống khỏe nhờ nghề tay trái nuôi rắn ri voi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Khác với trại rắn của nhiều người, lão nông tận dụng sân thượng còn trống của căn nhà 3 tầng để xây bể kính nuôi rắn. Với diện tích sân thượng 60m2, ông Ngôn bố trí được 100 bể kính, sức chứa hơn 2.000 con rắn. Bên trong bể, ông để thêm các giá thể như tàu dừa, lá chuối khô, dây ni lông làm ổ cho rắn trú ngụ.

Nuôi rắn ri voi trong bể kính, lão nông sống nhàn, lãi cao (Clip: Bảo Kỳ).

"Nuôi trong bể kính tôi thấy hiệu quả hơn trong bể xi măng hoặc lu, khạp vì qua lớp kính trong suốt mình có thể quan sát tình trạng của rắn, phát hiện sớm mầm bệnh để có cách điều trị kịp thời. Vả lại, tôi nuôi rắn trên sân thượng lắp bể kính sẽ an toàn hơn, không sợ sàn nhà bị thấm nước", ông Ngôn lý giải. 

Nuôi rắn sinh đẻ nhung nhúc trên sân thượng, lão nông sống nhàn - 2

Rắn ri voi được nuôi trong bể kính, bên trong để thêm các giá thể như tàu dừa, lá chuối khô, dây ni lông làm ổ cho rắn trú ngụ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Do nhu cầu tiêu thụ rắn giống ngày một nhiều, năm 2019 ông Ngôn nhân rộng số lượng đàn rắn. Rắn ri voi cái có trọng lượng khoảng một kg có thể sinh sản, đẻ từ 15 đến 17 con. Những con ri voi cái từ 2 kg trở lên mang bầu đến 25 con. 

Theo ông Ngôn, mùa vụ giao phối của rắn ri voi bắt đầu vào tháng 8 âm lịch kéo dài đến hết Tết Nguyên đán. Khi đó, ông sẽ ghép cặp cho rắn giao phối. Đến tháng 4 âm lịch năm sau, rắn sẽ đẻ.

"Rắn con được 15 ngày tuổi có thể xuất bán, giá 80.000 đồng/con. Riêng rắn từ một tháng tuổi, giá bán 100.000 đồng/con", ông Ngôn vui vẻ cho biết.

Nuôi rắn sinh đẻ nhung nhúc trên sân thượng, lão nông sống nhàn - 3

Rắn ri voi có tập tính ngủ đông. Thời điểm đó, ông Ngôn sẽ giảm lượng thức ăn, cách nhiều ngày mới cho ăn một lần (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bên cạnh bán rắn giống, ông Ngôn còn cung cấp rắn ri voi thương phẩm. Rắn có trọng lượng 1-1,2 kg, giá từ 750.000 đến 800.000 đồng/kg, trọng lượng 600-700 g/con thì giá chỉ từ 550.000 đến 600.000 đồng/kg.

Chia sẻ về bí quyết nuôi rắn ri voi thành công, lão nông U60 bật mí, loài rắn này khá dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc. Khoảng 4-7 ngày, ông cho rắn ăn một cữ, thức ăn chủ yếu là cá trê con. Rắn ngủ đông vào tháng 11 Âm lịch đến hết tháng Giêng. Lúc đó, ông hạn chế cho ăn hoặc giảm lượng thức ăn hơn ngày thường. 

"Điều quan trọng nhất phải lưu ý là đảm bảo nguồn nước sạch, cần vệ sinh bể chứa thường xuyên. Mỗi tuần, tôi thay nước bể một lần, đổi giá thể mới trong bể để ngừa mầm bệnh cho rắn", ông Ngôn nói thêm. 

Dù là nghề tay trái nhưng thu nhập từ nuôi rắn đem đến cho ông Ngôn khá hấp dẫn. 3 năm nay, ông xuất bán từ 1.500 đến 2.000 con rắn giống, phân phối chủ yếu ở các tỉnh miền Tây, trừ hết chi phí, lão nông lãi được khoảng 200 triệu đồng.